Mường Nhé dồn sức cho nông thôn mới

- Thứ Tư, 16/12/2020, 21:25 - Chia sẻ
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đặt mục tiêu có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại tăng từ 12 - 13 tiêu chí trở lên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống dưới 35%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 30%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%.... Tất cả đều là những chỉ tiêu khó với một địa bàn 30A như Mường Nhé.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; các mô hình sinh kế được nhân rộng. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân.

“Với xuất phát điểm thấp nên huyện Mường Nhé gặp nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng NTM như: Tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, di cư tự do, phá rừng trái phép diễn biến phức tạp... Cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể các cấp huyện Mường Nhé đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được ý nghĩa, mục tiêu của chương trình xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia bằng những việc làm cụ thể, thiết thực,” ông Hưng chia sẻ.

Thu nhập của người dân Mường Nhé vẫn là tiêu chí khó thực hiện ở địa phương 30A
Thu nhập của người dân Mường Nhé vẫn là tiêu chí khó thực hiện

Bên cạnh đó, huyện Mường Nhé tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Chính phủ, lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục, mô hình sinh kế làm nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, đến hết năm 2020, huyện đã có 3 xã cơ bản đạt chuẩn NTM; bình quân toàn huyện đạt 10,5 tiêu chí/xã. Trong 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, có một số tiêu chí đạt tỷ lệ cao là: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, quốc phòng - an ninh (đạt 100%). Về phát triển hạ tầng nông thôn, đến nay có 9/11 xã có đường đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông, 95% số bản có đường ô tô trong đó 44,7% được bê tông hóa; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 74,02% năm 2015 xuống còn 58,43% năm 2020); chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm triển khai thực hiện.

Cùng với việc giảm nghèo, trong 2 năm trở lại đây, huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Trồng cao su, mắc ca công nghệ cao… với số vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, một trong những yếu tố quan trọng để đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đồng lòng ủng hộ của người dân cũng như phát huy hiệu quả công tác huy động và lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã huy động, bố trí lồng ghép các nguồn vốn được gần 1.131 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách Trung ương gần 156 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 31 tỷ đồng, vốn lồng ghép 599 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 337 tỷ đồng và vốn huy động trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên 600 tỷ đồng… Ðể sử dụng hiệu quả nguồn lực trong đầu tư, huyện chú trọng từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách; lập, phê duyệt dự án, xây dựng, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư.

Quá trình thực hiện được giám sát, đánh giá kết quả, đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn vốn cho các dự án; việc lồng ghép vốn đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, tổng kinh phí đầu tư được giao. Ưu tiên công trình theo từng tiêu chí, nhất là tiêu chí đạt thấp, tiêu chí ở xã đăng ký đạt chuẩn trong từng năm.

Nam Anh