Hòa Bình chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19

- Thứ Năm, 02/09/2021, 05:45 - Chia sẻ
76 năm đã trôi qua kể từ mùa thu lịch sử năm 1945, những người con đất Việt nói chung, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói riêng vẫn luôn nhắc nhở nhau về giá trị của hòa bình qua những trang sử hào hùng, bi tráng. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, tinh thần “chống dịch như chống giặc” tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình phát huy. Toàn tỉnh đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Ảnh: Trần Tâm

Mỗi người dân cần phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc, quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh

Nhớ mãi Tết Độc lập đầu tiên

Đã 76 năm trôi qua nhưng những ký ức về mùa thu lịch sử năm 1945 vẫn in sâu trong tâm trí nhiều người dân TP. Hòa Bình. Dù đã ở tuổi ngoài 90, sức khỏe, trí nhớ có phần giảm sút song ông Quách Xuân Long (phường Phương Lâm) vẫn nhớ những thời khắc lịch sử của ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh đầu tiên. Ông Long kể, thời kỳ này, thị xã Hòa Bình là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội duy nhất của tỉnh Hòa Bình nhưng người dân vô cùng khổ cực vì sưu cao, thuế nặng và ách kìm kẹp của chế độ thực dân. Có những địa danh còn trở thành nỗi ám ảnh của người dân như: Khu vực hố chôn tập thể người chết đói và lính chết trận tại phố An Hòa (nay là phường Phương Lâm). “Chính sự áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đã nhóm lên tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường của Nhân dân ta. Khi phong trào khởi nghĩa giành chính quyền lên cao, người dân đã đồng tình hưởng ứng, không khí vô cùng sục sôi”, ông Long nói.

Theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, đầu tháng 5.1945, tại gác xép của ngôi nhà Phương Liên - phố Đồng Nhân, chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã Hòa Bình đã ra đời. Theo đó, Chi bộ Đảng thị xã đã phối hợp với Chi bộ Đảng nhà tù Hòa Bình tập hợp, lãnh đạo quần chúng Nhân dân đứng dậy đấu tranh và giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 24.8.1945. “Sau khi giành được chính quyền, mọi người, mọi nhà đều phấn khởi, vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc và tự hào. Cách mạng đã khai sáng cuộc đời tôi, tôi nguyện một lòng theo Đảng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập mà Nhân dân ta phải trả bằng xương máu mới giành được. Bởi tôi hiểu chỉ có Đảng, Bác Hồ, chỉ có độc lập, tự do mới mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người”, ông Long bồi hồi chia sẻ. 

Rưng rưng xúc động, ông Bùi Thanh Khậy (85 tuổi) ở xóm Vó Dò (xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn) kể lại thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông bồi hồi nhớ lại, đúng ngày 2.9.1945, mặc dù, phương tiện còn lạc hậu, tin tức chủ yếu truyền tai nhau từ thành thị về nông thôn nhưng tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình đã tạo sức lan tỏa như vũ bão, nhanh chóng đến với mọi người dân trong xã. Nhiều người dân đã bật khóc vì sung sướng, hạnh phúc khi biết từ nay mình đã trở thành công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa độc lập.

Theo ông Khậy, sau khi giành được chính quyền, ngoài được chia ruộng, có cơm để ăn, theo lời kêu gọi của Bác, thế hệ các ông còn được tham gia bình dân học vụ để vừa chống giặc đói, vừa chống giặc dốt, giặc ngoại xâm. "Tôi tự nhủ với lòng mình, dù không được trực tiếp hô vang lời thề độc lập nhưng sẽ quyết tâm mang theo lời thề ấy trong tim, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Khậy xúc động chia sẻ.

Sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc”. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… Song, nhờ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, phải đương đầu với những kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, phát huy truyền thống quý báu ấy, trong trận chiến chống dịch Covid-19 ngày nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Xác định rõ tính chất nguy hiểm và nguy cơ lây lan của chủng virus mới, ngay khi phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương thực hiện truy vết, khoanh vùng, dập dịch, với phương châm “quyết liệt, nhanh chóng, hiệu quả”. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã liên tục đưa ra những chỉ đạo quyết liệt nhằm đối phó với dịch bệnh trong tình hình mới. Các tổ Covid-19 cộng đồng được kích hoạt đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giám sát, quản lý chặt chẽ những người từ vùng dịch trở về địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh chia sẻ: Phòng, chống dịch Covid-19 là công cuộc kéo dài, song song đó vẫn phải bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” trên, tạo nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, UBND tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương tuyên truyền và vận động Nhân dân quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Tỉnh cũng chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể kéo dài và tác động trên diện rộng, đòi hỏi chính quyền địa phương và toàn thể Nhân dân trong tỉnh phải cùng nhau đoàn kết, chung sức đồng lòng; quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan và cần tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để - Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh.

Những ngày qua, tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình đã đóng góp hàng tỷ đồng ủng hộ cho tuyến đầu chống dịch. Những suất cơm nghĩa tình, những món quà hỗ trợ cũng được chuyển đến các địa chỉ cần đến. Đặc biệt, những chuyến xe nghĩa tình đưa lao động từ vùng dịch trở về quê hương thực sự có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng khẩn trương, nỗ lực triển khai gói cứu trợ cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tuyến đầu chống dịch đang chạy đua với thời gian, vừa căng mình chống dịch, truy vết, hướng dẫn cách ly, vừa đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vaccine với mong muốn đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Trần Tâm