Hội Nông dân Gia Lai: Bảo vệ môi trường bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả

- Thứ Ba, 11/10/2022, 18:05 - Chia sẻ

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, Gia Lai cũng phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường. Để cải thiện tình hình, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội, trong đó có sự góp sức hiệu quả của hội nông dân.

Bảo vệ môi trường bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả -0
Nhiều địa phương đang thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, làm cho cảnh quan nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp

Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc vùng Tây Nguyên, cùng với nền kinh tế phát triển, đời sống người dân tại các khu vực nông thôn cũng được cải thiện, nhu cầu sinh hoạt, tiêu thụ gia tăng hàng năm, theo đó sản xuất công nghiệp phát triển mạnh. Tuy nhiên, cùng với việc hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, chăn nuôi... phục vụ phát triển kinh tế thì một lượng lớn chất thải từ các cơ sở sản xuất này hàng ngày đang tác động vào môi trường, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực làm mất cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường nhiều khu vực…

Những thách thức về ô nhiễm môi trường

Gia Lai hiện có 176/220 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ còn nhiều trong tổng số hộ nghèo. Kéo theo đó là cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, các phong tục, tập quán còn lạc hậu nên việc nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà, phóng uế bừa bãi… Trong khi, ở những nơi khác trên địa bàn tỉnh mặc dù chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tăng cao, nhưng hình thức chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ, phần nhiều được nuôi ở quy mô hộ gia đình khiến cho tỷ lệ chất thải chăn nuôi được xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường là rất thấp.

Với các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn con trong thời gian gần đây thì việc đầu tư đang là những thách thức lớn đối với môi trường địa phương nếu không được đầu tư xử lý môi trường hiệu quả. Đây là những trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, là điều kiện để ruồi muỗi sinh sôi nảy nở, sinh bệnh tật cho con người, ảnh hưởng đến sức khỏe của từng gia đình và của cả cộng đồng.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp với các hoạt động trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có tốc độ phát triển đáng kể. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật; công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật chưa được thực hiện đúng theo quy định, cũng là những tác nhân làm môi trường khu vực ngày càng ô nhiễm.

Bảo vệ môi trường bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả -0
Chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ là nguyên nhân tỷ lệ chất thải được xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường là rất thấp

Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi thả rông của một số đồng bào và việc phát triển các dự án chăn nuôi lớn trên địa bàn trong thời gian qua phát sinh nhiều chất thải chăn nuôi như phân và nước thải, nếu không được xử lý tốt sẽ là nguồn gây ô nhiễm lớn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc bảo vệ sức khỏe cho người dân, việc thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen bao đời nay của người dân để làm chuồng trại hợp vệ sinh, việc phân loại rác thải nhựa và xử lý chất thải trong chăn nuôi, sinh hoạt; di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thật sự là rất cần thiết.

Khi hội nông dân vào cuộc

Trước tình hình trên, để bảo vệ sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, với vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện nội dung này, các cấp Hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề môi trường, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng cảnh quan môi trường xã, thôn, làng xanh - sạch - đẹp; xây dựng các mô hình, như: “Đào hố thu gom rác thải”, “Thu gom rác thải”,Xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, giếng nước, nhà tắm, chuồng trại nhốt gia súc xa nhà ở, hố rác, thùng rác gia đình; không thả súc vật chết trên sông, suối… Bên cạnh đó, qua quá trình nắm tình hình chung về điều kiện kinh tế, xã hội tại các địa phương cho thấy nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hộ hội viên, nông dân phần lớn đều muốn thực hiện dự án xây dựng “Nhà tiêu tự hoại bảo vệ môi trường”. Chính vì vậy, với nguồn kinh phí của Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chọn xã Ia Ka, huyện Chư Păh để thực hiện dự án, vì đây là một xã miền núi thuần nông, với hơn 70% dân số là người Jrai, thu nhập chính của người dân trên địa bàn từ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, là vùng đất còn nhiều hoang sơ, phong tục lạc hậu, đời sống khó khăn… để hỗ trợ xây “Xây dựng mô hình nhà tiêu tự hoại bảo vệ môi trường”, với mục tiêu Bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp ở địa phương, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Sau khi Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Quyết định phê duyệt dự án, Hợp đồng xây dựng mô hình nhà tiêu tự hoại bảo vệ môi trường, thực hiện “Truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cho cán bộ hội viên, nông dân” giữa Văn phòng Hội Nông dân Trung ương với Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã được triển khai. Theo đó, Dự án “Xây dựng mô hình nhà tiêu tự hoại bảo vệ môi trường” tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh được tiến hành.

Bảo vệ môi trường bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả -0
Tập quán chăn nuôi thả rông làm phát sinh nhiều chất thải, nếu không được xử lý tốt sẽ là nguồn gây ô nhiễm lớn

Bằng việc triển khai dự án trên đã giúp cho người dân hiểu rõ hơn về quy trình triển khai một dự án, giúp cho hội viên nông dân, nhất là hội viên người đồng bào dân tộc thiểu số, hội viên ở vùng sâu, vùng xa hiểu rõ vai trò xây nhà tiêu hợp vệ sinh đối với cuộc sống và sức khỏe của con người: nếu các nguồn nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt của con người không đảm bảo vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh; sử dụng phân tươi hoặc phân ủ chưa đúng kỹ thuật để bón ruộng, nuôi cá tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán ra môi trường. Qua đó, góp phần làm chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, tham gia xây dựng thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới, làm cho cảnh quan nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp; tạo động lực, nguồn lực giúp các hộ gia đình vừa thay đổi tập quán lạc hậu, vừa giúp cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bảo Ngân
#