Ho là biểu hiện thường gặp ở trẻ, do vậy nhiều trường hợp cha mẹ/ người chăm sóc bối rối, không biết phải làm gì hợp lý khi trẻ bị ho.
Khi thấy trẻ bị ho, một số cha mẹ/ người chăm sóc cho trẻ uống thuốc theo dân gian, như: Lá hẹ, hoa hồng bạch, đường phèn, mật ong, chanh, …
Thực tế cho thấy kết quả sẽ diễn ra theo hai chiều hướng: Một số trẻ giảm dần ho rồi hết, nhưng ngược lại, một số trẻ ho nặng lên, ho kèm nhiều đờm, sốt, khò khè, … Lúc này đưa trẻ đi khám thì tình trạng đã nặng, thậm chí rất nặng, trẻ ho đi kèm một số biến chứng như viêm tai giữa, viêm thanh, khí, phế quản, phổi.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sỹ?
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện đại học Y Hà Nội, cho biết khi trẻ có triệu chứng ho, người lớn cần để ý tiếng ho của trẻ thật kĩ để có thể tiên lượng khi nào nên cho trẻ tới khám bác sĩ. Trong các trường hợp cần thiết, phụ huynh phải đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để có sự hỗ trợ của bác sĩ.
Trẻ cần được đưa đi khám khi có các biểu hiện: Ho sâu, tiếng ho cảm nhận từ lồng ngực; trẻ mệt nhiều, ho ảnh hưởng tới ăn uống và giấc ngủ, … Cần tìm nguyên nhân, mức độ nặng của bệnh để xác định hướng điều trị vì đây là một trong những biểu hiện diễn biến nặng của bệnh, có thể trẻ đã bị viêm mũi xoang, viêm phổi, viêm phế quản, trào ngược dạ dày - thực quản. Bên cạnh đó, còn một số các triệu chứng khác phụ huynh cần lưu ý như trẻ ho kèm sốt, ho kèm nôn trớ.
Với những trẻ ho khan, trường hợp người lớn cảm nhận ho chỉ nông ở ngay họng, trẻ không mệt, không quấy khóc, ăn uống bình thường thì có thể sử dụng một số thuốc đơn giản tại nhà và theo dõi diễn biến, biểu hiện ho cũng như toàn trạng của trẻ.
Các phương thuốc như: Pha loãng mật ong và/hoặc nước chanh ấm, nước đường phèn và mật ong, … cho trẻ uống ít một, nhiều lần trong ngày; Cho trẻ ăn ít hơn, chia nhiều bữa chế độ ăn mềm, loãng.
Nếu trẻ diễn biến tốt: Ho giảm dần, trẻ vẫn ăn, chơi và ngủ bình thường,… phụ huynh duy trì thuốc dân gian trong vòng 10 ngày. Nếu trẻ ho nặng lên, ho thành cơn, bỏ ăn, cảm giác mệt mỏi (không hào hứng tham gia chơi), … thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được hỗ trợ.
Đối với trẻ bị ho, cha mẹ/ người chăm sóc lưu ý cần tuyệt đối tuân thủ chế độ đơn thuốc, kiểm soát cách uống thuốc, liều thuốc của trẻ. Phụ huynh cần đưa trẻ khám lại theo đúng hẹn để bác sĩ xác định tình trạng bệnh của trẻ đã ổn định hẳn chưa, và điều trị theo yêu cầu của bác sĩ cho đến khi khỏi hẳn chứ không phải chỉ giảm triệu chứng.
Chú ý không cho trẻ ngủ một mình trong giai đoạn này vì khi ngủ ho dễ gây trào ngược, sặc vào đường thở, … Bên cạnh đó người lớn cũng không nên cho trẻ đi chơi xa, hay đi chơi vào những nơi đông người như công viên, siêu thị, … vì lúc này cơ thể trẻ đang giảm sức đề kháng và rất dễ lây nhiễm bệnh từ cộng đồng.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị ho
Trẻ bị ho cần có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học.Tránh ăn đồ khô cứng (kể cả món ăn yêu thích là bim bim, …) vì các đồ ăn này sẽ cọ vào niêm mạc họng của trẻ gây kích thích làm tăng phản xạ ho.
Tránh ăn đồ tanh như: tôm, cua, cá…; các thức ăn được chế biến theo cách chiên, xào, … nhiều dầu mỡ. Trẻ cũng tránh ăn đồ ăn nhanh, đồ ngọt, đồ ăn đặc sánh, gây tắc (như xốt khoai, xốt chứa bột năng, bột đao, lòng đỏ trứng…) và không uống đồ uống có gas, đồ lạnh.
Đối với trẻ bị ho, trẻ nên ăn cácnhóm thực phẩm giàu vitamine A, vitamine C, như: cà rốt, cam, bưởi, dâu tây, gấc, … Nên ăn thức ăn mềm (cháo, sữa, cơm nát, …); các loại canh mát (rau ngót, bí đao, …). Để giảm bớt các triệu chứng kích thích ho, cha mẹ/ người chăm sóc nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ.