Tránh xung đột chính sách!

- Thứ Năm, 04/11/2021, 05:42 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi thể hiện qua việc số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước.

Cụ thể, trong tháng 10, cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58,8 nghìn lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm 17,6% so với tháng trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng qua, cả nước có gần 94 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1.304,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 708 nghìn lao động, giảm 15,7% về số doanh nghiệp, giảm 18,2% về vốn đăng ký và giảm 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đạt  gần 14 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 10, có 3.492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 55,9% và tăng 6%; có 3.048 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,5% và giảm 14,8%; có 806 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33% và giảm 43%. Tuy nhiên cũng có tới 4.304 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,8% so với tháng trước.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp, trên diện rộng đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ thiết thực như miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất… được ban hành đã giúp doanh nghiệp, người dân từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức.

Hiện nay, nước ta đã xác định sẽ chung sống với dịch bệnh nên để có thể thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, điều kiện đầu tiên là cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ đồng bộ, thống nhất. Dẫn chứng về sự chưa đồng bộ, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ban hành thời gian qua, một chuyên gia cho rằng, tiến độ triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm, nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương, tính đến hết tháng 9 mới giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng - tương đương 6%. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt còn thấp, đặc biệt, do đã tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách hạn hẹp dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn, áp lực lạm phát tăng, nền kinh tế có dấu hiệu “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dường như chưa nhiều. Nhìn lại năm qua, chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính nên thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động này. Ý kiến khác thì cho rằng, cần có sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, đồng thời có cơ chế đặc biệt cho ngân hàng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp bởi hiện nay, các hoạt động hỗ trợ ngành ngân hàng đang làm bản chất là doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp, là giảm lãi, giảm phí. Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được cơ cấu nợ, đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn, việc xem xét cho vay mới sẽ khó khăn... do đó cần có cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn thì phải có ngân sách. Và để có ngân sách thì nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng phải phục hồi. Do đó, cần thiết phải có giải pháp vi mô và vĩ mô để giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài. Những chính sách này phải đồng bộ, tránh xung đột hoặc triệt tiêu lẫn nhau, nhất là phải bảo đảm thống nhất và tính khả thi trong thực hiện  nhằm phát huy sức mạnh và hiệu quả.

Ninh Hà