Tránh nghịch lý thiếu - thừa lao động

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 06:34 - Chia sẻ
Chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới - chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát để phòng chống dịch hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội, mối quan ngại hàng đầu hiện nay với nhiều doanh nghiệp là tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo Cục Việc làm, trong 7 tháng qua, thị trường lao động nước ta bị tác động theo chiều hướng tiêu cực cùng với tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid-19, lực lượng lao động bị sụt giảm nghiêm trọng, không tăng theo đà tăng dân số. Cụ thể, trong quý II.2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Còn theo số liệu của Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại phía Nam, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động và người lao động tự do tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Theo đó, có tới hơn 79.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020; gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước.

Trước thực trạng này, cách đây chưa lâu, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) Nguyễn Hoài Nam đã bày tỏ quan ngại về việc "đứt gãy" lao động. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì cho rằng, làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn sẽ dẫn đến nguy cơ cao thiếu hụt lao động, khiến doanh nghiệp khó phục hồi năng lực sản xuất khi hết thời gian giãn cách và khi dịch Covid-19 thuyên giảm. Đây là nguy cơ đã hiện hữu khá rõ, bởi việc thu hút lao động trở lại làm việc là điều không dễ và cho đến nay cũng chưa có phương án tối ưu.

Phân tích cụ thể về vấn này, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, hiện nay, việc giãn cách ở mỗi địa phương khác nhau, mỗi nơi thực hiện một kiểu, không có sự thống nhất xuyên suốt. Bên cạnh đó, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã xảy ra tình trạng chuyển dịch lao động. Cho nên, nếu TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10 rất khó để công nhân quay trở lại làm việc bởi hiện chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Phương án tuyển dụng mới cũng không bù đắp được số lao động đã thiếu hụt từ việc dịch chuyển về các tỉnh. Hơn nữa lực lượng lao động cũ chủ yếu là có tay nghề, trong khi việc tuyển mới cần từ 6 tháng đến 1 năm để đào tạo. Chính vì vậy, thời gian tới có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh lao động giữa các nhà máy, các ngành nghề với nhau. Đây là bài toán rất nan giải khi mở cửa trở lại.

Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Nhiều doanh nghiệp, địa phương cũng đã có các chính sách thu hút, đãi ngộ như đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, tăng lương, thưởng và các chính sách hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, để có thể giải quyết được tình trạng này, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần có chính sách về thông tin, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cũng như các chính sách an sinh, xã hội khác. Có như vậy, mới tránh được nghịch lý về cung, cầu lao động: Các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất... thì thiếu hụt lao động, trong khi một số vùng nông thôn lại dư thừa.

Ninh Hà