Quy định rất rộng
Một trong những nội dung của dự thảo Luật được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận đó là điều kiện xuất cảnh, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Đây là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền đi lại, liên quan đến bảo đảm an ninh trật tự do đó phải quy định chặt chẽ, đầy đủ. Theo dự thảo Luật, các trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh gồm: người cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, làm giả, sử dụng giấy tờ giả để xuất cảnh, nhập cảnh; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật Việt Nam mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cản; lợi dụng, lạm dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Nhiều ý kiến lo ngại, việc quy định các trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân rộng như dự thảo Luật có thể ảnh hưởng đến quyền xuất cảnh của công dân.
![]() Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp |
Ảnh: Q. Khánh |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc chưa cấp giấy tờ nhập cảnh là hạn chế quyền đi lại của công dân, trong khi đó quy định như dự thảo là rất rộng. Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định phân tích, với người đang có nghĩa vụ chấp hành nghĩa vụ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vậy những trường hợp vượt đèn đỏ chưa kịp nộp phạt, hoặc xây dựng nhà trái phép, xây dựng ban công trái phép bị phạt chưa kịp nộp tiền chỉ vì lý do đó mà chưa cho xuất cảnh thì “nặng” quá. Tương tự, trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh đến 1 năm trong trường hợp cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, trong trường hợp này, người khai có thể khai nhầm ngày sinh, chỉ vì vậy mà cho rằng họ cung cấp thông tin sai sự thật để áp dụng 1 năm không cho xuất cảnh là chưa thực sự cần thiết. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát để bảo đảm việc chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm trong một số trường hợp nhất định.
Một quy định khác của dự thảo Luật được cho là rất rộng, có thể ảnh hưởng đến quyền xuất cảnh của của công dân, đó là quy định thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người thuộc trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh. Dự thảo Luật quy định khi có căn cứ xác định người thuộc trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh quy định tại Điều 17 của Luật này, cơ quan cấp hộ chiếu kiểm tra, yêu cầu người đã được cấp hộ chiếu nộp lại hộ chiếu còn thời hạn để hủy giá trị sử dụng. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, hộ chiếu có thời hạn 3 năm, 5 năm, 10 năm, ít nhất 12 tháng, trong khi công dân mới chậm nộp xử phạt hành chính mới có mấy ngày mà hủy hộ chiếu thì cũng “nặng quá”. Dự thảo Luật nên quy định hủy hộ chiếu, hộ chiếu không có giá trị trong thời hạn công dân chưa thực hiện nghĩa vụ, còn khi công dân đã thực hiện xong nghĩa vụ thì hộ chiếu lại có giá trị như bình thường. Quy định như vậy vừa phù hợp với các quy định về các trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, vừa bảo đảm tính cần thiết và tương xứng với hành vi vi phạm, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nói.
Lo ngại bị áp dụng tùy tiện, lạm dụng
Tạm hoãn xuất cảnh là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm bởi nội dung này liên quan, can thiệp trực tiếp đến quyền đi lại của công dân. Thực tế cho thấy, đây cũng là vấn đề nảy sinh nhiều bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, thậm chí dễ bị lợi dụng để gây khó, làm ảnh hưởng đến quyền công dân. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo Luật còn chung chung. Quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính là chưa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi, Luật này không quy định tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, dự thảo Luật cần bổ sung: Trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc bị dẫn độ theo Khoản 1, Điều 502, Bộ luật Tố tụng Hình sự, bổ sung tạm hoãn xuất cảnh để bảo đảm thi hành quyết định của tòa án. Đồng thời, bổ sung vào Khoản 2, Điều 28 của dự thảo Luật điều kiện nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc thi hành các quyết định, bản án đó. Quy định như vậy sẽ thống nhất với các luật khác và không ảnh hưởng đến quyền công dân. Trong trường hợp không thực sự cần thiết thì không được cản trở công dân xuất cảnh, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Khẳng định tầm quan trọng của quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng, trong lĩnh vực hình sự, tạm hoãn xuất cảnh là một trong các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cho rằng bản thân khá “yên tâm” khi các quy định của dự thảo Luật có dẫn chiếu đến các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự tương đối rõ ràng, tuy vậy Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ, điều kiện để tạm hoãn thì từ Khoản 2 đến Khoản 6, Điều 28 dự thảo Luật quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế, người đang có nghĩa vụ trong vụ án, vụ việc về dân sự, kinh tế nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc, ảnh hưởng đến việc thi hành án rất chung chung. Do đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn, nếu sẽ dẫn đến tùy tiện, lạm dụng khi áp dụng, Chủ nhiệm Lê Thị Nga lo ngại.