Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm trước pháp luật. Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri. Tất cả mọi công dân ai cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Những người không nắm giữ các chức vụ cao cấp của Nhà nước thì không phải chịu loại trách nhiệm này.
Trách nhiệm chính trị được xác lập dựa trên sự tín nhiệm. Và sự bất tín nhiệm là loại chế tài duy nhất ở đây. Tuy nhiên, đây là loại chế tài mang nặng tính “xa xỉ”: nó chỉ phát huy tác dụng trong một hệ thống chính trị có lương tâm.
Trách nhiệm chính trị được bảo đảm bằng hai cách:
Một là, thông qua bầu cử;
Hai là, thông qua hoạt động của cơ quan đại diện cho cử tri.
Qua bầu cử, cử tri thể hiện sự tín nhiệm, cũng như sự bất tín nhiệm của mình bằng lá phiếu. Những người không nhận đủ phiếu của cử tri thì cũng có nghĩa là không được cử tri tín nhiệm trong việc điều hành đất nước. Ngược lại, những người nhận đủ phiếu của cử tri có nghĩa đồng thời nhận được sự ủy quyền. Một Chính phủ được ủy quyền là một Chính phủ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhân dân cho chương trình nghị sự mà Chính phủ đó đề ra.
Cử tri có thể ủy quyền theo hai cách: ủy quyền theo lệnh và ủy quyền theo chế độ tín thác. Ủy quyền theo lệnh, cũng như ủy quyền theo chế độ tín thác là những khái niệm nghe rất lạ tai. Có lẽ, nguyên nhân chính là do những khái niệm này chưa được nhắc tới nhiều trong khoa học chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, nếu thuật ngữ “sức khỏe sinh sản” được chấp nhận, hai thuật ngữ nói trên hoàn toàn có cơ hội để được “nhập quốc tịch” vào một ngày nào đó.
Ủy quyền theo lệnh nghĩa là việc cử tri bầu ra đại diện của mình, và đại diện đó chỉ được làm theo lệnh của cử tri (Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây thường áp dụng loại ủy quyền này). Ủy quyền theo chế độ tín thác là việc cử tri bầu ra đại diện của mình, và đại diện đó được toàn quyền quyết định mọi công việc theo cách mà đại diện đó cho là tốt nhất. Luật Bầu cử ở ta chưa quy định tương đối rõ về loại ủy quyền mà các vị đại biểu Quốc hội của chúng ta có được qua bầu cử. Tuy nhiên, không làm rõ điều này, thì bảo đảm trách nhiệm chính trị cũng sẽ khó khăn.
Nhiều quan chức cao cấp của Nhà nước không phải do cử tri trực tiếp bầu ra, vì vậy chế tài về trách nhiệm chính trị được thực hiện thông qua hoạt động của cơ quan đại diện cho cử tri. Ở nước ta cơ quan này là Quốc hội (ở địa phương là Hội đồng Nhân dân các cấp).
Hoạt động giám sát của Quốc hội mà quan trọng nhất là chất vấn, nghe báo cáo và bỏ phiếu tín nhiệm chính là công cụ để bảo đảm trách nhiệm chính trị. Và trách nhiệm chính trị mới là mối quan tâm của Quốc hội, không phải trách nhiệm pháp lý. (Quốc hội không phải là thiết chế được sinh ra để áp đặt trách nhiệm pháp lý).
Trước đây, khi bị Quốc hội chất vấn về những bê bối xảy ra ở một bộ, vị bộ trưởng có liên quan đã trả lời là ông đang hợp tác tối đa với các cơ quan tư pháp để làm rõ vụ việc và trách nhiệm đến đâu sẽ xin chịu đến đấy. Các vị đại biểu Quốc hội có vẻ đã hài lòng với câu trả lời này. Tuy nhiên, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý là hai vấn đề khác nhau. Các cơ quan tư pháp không thể giúp Quốc hội làm rõ trách nhiệm chính trị của một quan chức. Quốc hội chính là cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm đối với công việc này.