Không thể “đến hẹn lại tăng”
- Ông đánh giá như thế nào về chính sách tiền lương thời gian qua?
- Chính sách tiền lương thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Quan hệ tiền lương mang tính bình quân. Hệ thống thang, bảng lương phức tạp và lạc hậu, mở rộng đối tượng và các loại phụ cấp tạo bất cập cho các cơ quan. Chưa có được sự lý giải rõ ràng và thuyết phục vì sao lại có các mức phụ cấp như vậy. Nếu không làm rõ những băn khoăn này sẽ dẫn đến tình trạng công chức ngành này tâm tư, suy bì với công chức ngành khác về phụ cấp. Và có thể dẫn đến sự hoài nghi về sự không công bằng.
Trong khi đó, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm đủ sống cho người lao động. Chính sự bất cập của chính sách tiền lương đã dẫn đến tình trạng người lao động chưa thực sự gắn bó với công việc, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, của bộ máy hành chính nhà nước chưa cao.
- Theo ông, bất cập của chính sách lương này do đâu?
![]() | |
ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phát biểu tại hội trường | Ảnh: Quang Khánh |
- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó có nguyên nhân từ việc chậm cụ thể hóa quan điểm chi tiền lương là chi đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng công chức. Cùng với đó, do chúng ta chưa quản lý tốt tiền lương; chưa khắc phục bất cập quản lý doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân xuất phát từ tư duy cũ, tư duy của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đó là, trả lương theo kiểu cào bằng và trả theo kế hoạch. Cứ “sống lâu thì lên lão làng”, cứ ở nhiều năm thì lương cao mà không cần biết là hiệu quả cống hiến như thế nào. Thực tế cho thấy, có không ít người làm lâu năm có nhiều kinh nghiệm, trình độ đã có nhiều cống hiến. Tuy nhiên, không phải người nào có thâm niên cũng có nhiều đóng góp hiệu quả trong công việc. Trong khi đó, thế hệ trẻ hiện nay, không ít công chức, viên chức được đào tạo bài bản, có trình độ, nhưng không được hưởng lương theo thực lực cống hiến của họ. Chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng tiền lương hiện nay chưa trả theo giá trị lao động mà trả theo thâm niên. Đây là bất cập lớn, cần sớm được khắc phục. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì rất khó để thu hút được người tài, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Như vậy, nếu căn cứ vào thâm niên để trả lương thì chưa hoàn toàn thuyết phục, thưa ông?
- Tôi cho rằng, thâm niên cũng là yếu tố cần phải tính toán trong quá trình chi trả lương. Nhưng thâm niên cũng phải được xem xét trên cơ sở hiệu quả công việc. Không thể cứ tăng lương theo kiểu “đến hẹn lại tăng” 3 năm một lần. Đã đến lúc, cần thay đổi tư duy trong chính sách tiền lương, phải dựa trên hiệu quả công việc.
Thu hút nhân tài, góp phần xóa bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực
- Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là một trong những nội dung được bàn và quyết đáp tại Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII. Ông kỳ vọng gì ở quyết đáp của Trung ương lần này?
- Việc Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII bàn về cải cách chính sách tiền lương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Như tôi đã phân tích ở trên, chính sách tiền lương hiện đang bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm được giải quyết. Phải xác định rõ, tiền lương là thu nhập bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Cải cách chính sách tiền lương để tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả việc làm của người lao động. Thang, bảng lương được sắp xếp lại sẽ có tác động rất tích cực cho cải cách bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của công chức trên cơ sở ai làm được việc thì hưởng lương xứng đáng. Ai không làm được việc sẽ bị loại ra khỏi bộ máy. Điều này, sẽ góp phần xóa bỏ tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Theo tôi, đây là thời điểm chín muồi để Trung ương bàn về cải cách chính sách tiền lương nhằm giải quyết kịp thời những bất cập mà thực tiễn chính sách tiền lương đã và đang đặt ra. Vì thế, mong rằng Đề án cải cách chính sách tiền lương sẽ được Trung ương thảo luận sâu sắc, trên cơ sở đó sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để có một chính sách lương mới, với việc tách biệt khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Trong khu vực công, nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.
Với chính sách tiền lương mới sẽ tạo bước chuyển tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Tiền lương bảo đảm sẽ là động lực để người lao động toàn tâm, toàn ý gắn bó với công việc. Đây cũng là cơ sở góp phần thực hiện yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy nhà nước mà Đảng, Chính phủ và QH đã đặt ra.
Với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…, trong dự thảo Đề án nêu rõ: Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu; quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được tự chủ, quyết định chính sách tiền lương, trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động và trả lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước điều tiết tiền lương, thu nhập thông qua các công cụ quản lý của Nhà nước. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định nguyên tắc xác định quỹ lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước; tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của Ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, ai bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương; từng bước tiến tới thuê thành viên Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên và kiểm soát viên từ lợi nhuận thu được của nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, Nhà nước quy định nguyên tắc xác định quỹ lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để người đại diện phần vốn nhà nước tham gia biểu quyết, quyết định trong Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên. Để thực hiện các nội dung trên, dự thảo Đề án đặc biệt nhấn mạnh một trong giải pháp quan trọng là hoàn thiện cơ chế thương lượng về tiền lương giữa các chủ thể trong quan hệ lao động với sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước. Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội TỐNG THỊ MINH Song Hà ghi |