Ngày 10.12, tiếp tục Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các nội dung được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm.
Khẩn trương triển khai hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát
Quy định và chính sách cụ thể hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2024 - 2025 được đặt ra tại Kỳ họp.
Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Tiến Nam cho biết, địa phương đặt mục tiêu đến tháng 10.2025 phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm nhà dột nát cho 2.150 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở là hộ nghèo, hộ cận nghèo, có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý; và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tối thiểu 3 năm. Tuy nhiên, không áp dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chính sách về nhà ở thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và chương trình hỗ trợ nhà ở của người có công với cách mạng.
Căn nhà sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2; có tuổi thọ từ 20 năm trở lên, nhà ở phải đảm bảo an toàn; đối với hộ gia đình đang sinh sống tại nơi có mức ngập lụt thường xuyên từ 2m trở lên thì phải xây dựng được tầng 2 hoặc sàn tránh lũ, lụt cao hơn mức ngập lụt thường xuyên và có diện tích tối thiểu 15m2 .
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 98,22 tỷ đồng, từ ngân sách tỉnh và đối ứng từ ngân sách huyện, xã từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024.
Sắp xếp, kiện toàn bộ máy hiệu quả
Thực hiện sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2024 - 2025, nhiều cử tri đã bày tỏ sự quan tâm đối với tình hình sắp xếp cũng như tinh giản đội ngũ viên chức, nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra và vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình Trần Thế Vương cho biết, trong năm 2024, địa phương đã thực hiện sắp xếp giảm 12/40 đơn vị; 1/40 đơn vị đang thực hiện giải thể. Năm 2025 toàn tỉnh còn phải thực hiện giảm 27 đơn vị.
Như vậy, đến nay tỉnh Quảng Bình có 655 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2021: 693 đơn vị), giảm 38 đơn vị so với năm 2021, đạt 5,4%.
Các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò và nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; các đơn vị sắp xếp đã đi vào ổn định, đảm bảo hoạt động hiệu quả; chế độ chính sách của viên chức được đảm bảo; chưa có phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc sau sắp xếp.
Về tinh giản đội ngũ viên chức, theo kế hoạch, thời gian đến cần thực hiện tinh giản 1.032 biên chế sự nghiệp đến năm 2026.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ, thực tế cho thấy, số lượng đơn vị thực hiện tự chủ còn khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra; số đơn vị thực hiện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư ở cấp tỉnh không có, hầu hết là các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi thường xuyên, số lượng đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động còn lớn. Hiện nay đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh chiếm trên 80% chủ yếu là trong lĩnh vực giáo dục, y tế dự phòng, bảo đảm xã hội. Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp còn thấp và không ổn định, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Đối với đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thì mức khoán chi thường xuyên thấp, không có nguồn thu,… từ đó, đặt ra những khó khăn, vướng mắc đối với đội ngũ lao động cũng như đơn vị.
Do đó, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thế Vương cũng đã có đề nghị, kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, để việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính được thuận lợi; hoàn thiện chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu đảm bảo phù hợp thực tiễn địa phương.
Khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Cũng tại phiên chất vấn, một số cử tri cũng quan tâm đặt câu hỏi liên quan đến các giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai; khai thác tiềm năng du lịch; chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục; tình hình quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh...
Đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã trả lời một cách thẳng thắn, xác đáng và làm rõ các câu hỏi của các đại biểu đặt ra. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng đã nghiêm túc tiếp thu những nội dung thẩm tra của các Ban HĐND, ý kiến chất vấn, đi đến cùng để tìm các giải pháp khả thi trong trách nhiệm để bổ sung vào nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2025.
Để tiếp tục đà phát triển năm 2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các khâu đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm góp phần phát triển bứt phá các ngành kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội; trong đó chú trọng các giải pháp, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, các doanh nghiệp công nghiệp, du lịch.
Đối với các vấn đề nổi lên trong quá trình chỉ đạo, điều hành, được nêu ra tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu nhấn mạnh các sở, ban, ngành liên quan tiếp thu và khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân cũng như tạo điều kiện cho phát triển.
Cùng với đó, cần khẩn trương thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và chủ động, quyết liệt triển khai sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính của tỉnh đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cấp dưới gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường giám sát, kiểm tra; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, có cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.