Các hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh về triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022”.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và người dân
Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 11.3.2022 của UBND thành phố triển khai thực hiện Đề án giai đoạn II của UBND tỉnh Quảng Ninh tập trung vào địa bàn 3 xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa. Đây là những địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Đối tượng được thành phố tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức là thanh niên, trẻ vị thành niên người DTTS chưa kết hôn/tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phụ huynh học sinh/cha mẹ của nam nữ thanh niên trong độ tuổi vị thành niên; cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; trưởng thôn, bản, già làng, thầy mo, thầy cúng, người có uy tín trong cộng đồng; các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Đề án giai đoạn II trên địa bàn...
Triển khai thực hiện, thời gian qua, UBND thành phố đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, kỹ năng xử lý các tình huống trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức hội nghị tuyên truyền về Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn nên đi tư vấn và khám sức khỏe. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động, xử lý tình huống trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở.
Thành phố cũng tổ chức các hoạt động, học tập trao đổi kinh nghiệm về thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; về bảo đảm chất lượng dân số vùng DTTS. Xây dựng các hoạt động mô hình điểm; tiếp tục duy trì, củng cố và nhân rộng các mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản; các câu lạc bộ “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết” tại các xã vùng DTTS miền núi. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại cơ sở; xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo quy định.
Thông qua các hoạt động trên, nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật, trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bảo đảm chất lượng dân số DTTS ngày càng được nâng lên. Vai trò của chính quyền địa phương các cấp trong việc ngăn ngừa, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn ngày càng phát huy mạnh mẽ.
Tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thu Hương cho biết: thành phố đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn vùng DTTS và miền núi tăng thời lượng giáo dục kỹ năng sống; sinh hoạt ngoại khóa hướng trọng tâm giáo dục đạo đức, giữ gìn văn hóa truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; lồng ghép nội dung giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh nói chung, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vùng DTTS miền núi nói riêng trong các môn học. Tiếp tục chỉ đạo, định hướng việc phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở để tạo cơ hội đào tạo nghề và định hướng việc làm cho học sinh DTTS. Đồng thời, phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan và UBND các xã vùng DTTS tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế và từng lứa tuổi học sinh DTTS trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này.
UBND Thành phố cũng giao Phòng Y tế, Trung tâm Y tế thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện duy trì, củng cố và nhân rộng các mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản; các câu lạc bộ “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết” tại các xã vùng DTTS; chỉ đạo, giám sát các đơn vị có chức năng quản lý dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em ở cơ sở tăng cường tuyên truyền, tư vấn; vệ động lứa tuổi vị thành niên nữ DTTS được tư vấn sức khỏe sinh sản; mở sổ theo dõi, quản lý các đối tượng được tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản và quản lý dân số ở tuyến xã..
Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành liên quan và UBND các xã vùng DTTS nghiên cứu, đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các thiết chế văn hóa, tiêu chuẩn bản làng văn hóa, gia đình văn hóa vùng DTTS và miền núi. Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền về nguyên nhân, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện tuyên truyền trên các hạ tầng với loại hình, tần suất và thời gian phù hợp, bảo đảm hiệu quả tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát sóng, số lượng bài viết phù hợp, nâng cao chất lượng tuyên truyền về dân số và phát triển trong các chương trình, chuyên trang chuyên mục. Phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan và UBND các xã vùng DTTS tổ chức các hoạt động truyền thông để bảo đảm thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
Về phía UBND các xã vùng DTTS, căn cứ kế hoạch của thành phố, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch tại địa phương. Bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí để triển khai các hoạt động của Kế hoạch tại địa phương, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, phát huy vai trò của thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ của địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn…
Việc triển khai các nhiệm vụ, các hoạt động liên quan phải bám sát nội dung kế hoạch của Tỉnh và của Thành phố trong giai đoạn; phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương. Phương pháp, nội dung các hoạt động đa dạng, cụ thể, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, phong tục, tập quán mỗi dân tộc và đúng quy định pháp luật; bảo đảm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn .