TP. Hồ Chí Minh quyết tâm sớm nhất đạt miễn dịch cộng đồng

- Thứ Ba, 03/08/2021, 17:59 - Chia sẻ
Đây là nhất mạnh của Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố ngày 3.8. Từ hôm nay, thành phố bước vào đợt tiêm vaccine thứ 6 dự kiến kéo dài hết tháng 8. Nếu được cung cấp vaccine đầy đủ, TP. Hồ Chí Minh cố gắng đạt mục tiêu tiêm cho 70% người trên 18 tuổi trong đợt tiêm này.

Tiêm vaccine trên tinh thần tự nguyện

Số liệu Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cập nhật đến nay, toàn thành phố đã tiêm được 920.329 liều trong đợt 5. Tổng cộng 1039 người có phản ứng sau 30 phút tiêm và tất cả những trường hợp này đều an toàn, được xử lý. Đa phần là triệu chứng nhẹ, rất ít triệu chứng nặng. Về cơ bản với số lượng vaccine đã nhận được thì TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành đợt 5 với mục tiêu trên 900.000 liều tính từ ngày 22.7 đến 3.8. Trong đó, ngày 22.7 bị phản ứng nhiều nhất với 283 người có phản ứng sau tiêm.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, vaccine đã tiêm hiện có 3 loại, chủ yếu là AstraZeneca, sau đó là Moderna, Pfizer và đều đến từ nguồn Bộ Y tế cấp cho thành phố. Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp tổng cộng 16 đợt vaccine đến các tỉnh thành, TP. Hồ Chí Minh đã nhận về đến nay là 2,5 triệu liều. Có khoảng 2 triệu liều đã tiêm ít nhất 1 mũi và trong đó có hơn 70.000 người đã tiêm 2 mũi. Con số này không kể một số lượng vaccine Bộ Y tế cấp cho các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (khoảng 400.000 liều).

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn

Thông tin liên quan đến việc ngày 31.7 có 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm Bắc Kinh đã đến TP. Hồ Chí Minh, ông Đức cho biết, đây là lượng vaccine được nhà tài trợ tặng thành phố. Hiện nay, theo quy trình của Bộ Y tế, đơn vị nhập khẩu gửi để cơ quan chức năng của Bộ Y tế thẩm định theo đúng quy trình. Sau khi thẩm định và đạt chất lượng thì sẽ bắt đầu tổ chức tiêm giống như các vaccine khác. Đó là tiêm trên tinh thần tự nguyện. Những người đăng ký đồng ý tiêm thì sẽ được tiêm. Phó Chủ tịch Dương Anh Đức khẳng định, chính sách của Nhà nước Việt Nam là tiêm miễn phí và tự nguyện cho toàn dân. Các loại vaccine được cung ứng cho người dân đều là vaccine phải thỏa mãn 2 điều kiện: được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Cũng theo ông Đức, từ ngày 3.8, TP. Hồ Chí Minh bước vào đợt 6 tiêm vaccine. Đợt 6 có tính chất hơi đặc biệt, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8.2021. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, nếu được cấp đầy đủ và đúng tiến độ như đề xuất của thành phố thì TP. Hồ Chí Minh sẽ cố gắng đạt mục tiêu là người từ 18 tuổi trở lên sẽ cơ bản được tiêm vaccine.

Sử dụng mọi nguồn lực chăm lo cho người dân

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, vaccine là một trong những điều kiện quyết định, quan trọng để thành phố đạt được tình trạng bình thường mới. Ngoài nguồn vaccine phân bổ, thành phố chủ động xin chủ trương cho phép thành phố bằng nguồn lực vận động, ngân sách chủ động tìm kiếm các nguồn vaccine.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành phố đạt mục tiêu tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Do vậy, thành phố đang tổ chức lại và huy động các nguồn lực phấn đấu 300.000 liều/ngày. Trong tháng 8 nếu đảm bảo nguồn cung, thành phố sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70-80% dân số trên 18 tuổi. "TP. Hồ Chí Minh đã sẵn sàng phối hợp công tư, phân quyền về cho quận huyện chủ động hơn. Với năng lực này, thành phố đang tiếp tục gửi đề xuất Trung ương tiếp tục phân bổ 5 - 5,5 triệu liều để quyết tâm sớm nhất đạt miễn dịch cộng đồng", ông Mãi cho hay.

Về các biện pháp hỗ trợ người dân tại TP. Hồ Chí Minh về quê, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi cho biết, thành phố có lượng người dân từ các tỉnh, thành đến học tập, sinh sống và làm việc lớn. Nếu người dân về quê nhiều sẽ gây khó khăn cho địa phương trong công tác tiếp nhận trong thời gian ngắn, việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 cũng hạn chế người dân di chuyển. Do đó, TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại thành phố. "Trong giai đoạn khó khăn này, mong người dân thông cảm và đồng lòng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Riêng thành phố sẽ sử dụng mọi nguồn lực để chăm lo cho người dân, cam kết không để người dân thiếu đói. Các nguồn lực ngân sách và nguồn lực xã hội sẽ được huy động để chăm lo cuộc sống cho người dân", ông Mãi nhấn mạnh.

Từ ngày 3.8, TP Hồ Chí Minh bước vào đợt thứ 6 tiêm vaccine ngừa Covid-19

Để giúp đỡ người dân gặp khó khăn, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và điều phối viện trợ cấp Thành phố, quận - huyện, phường - xã; phát huy mạng lưới, hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể, tổ chức tình nguyện để nắm các đối tượng cần hỗ trợ. Đối với việc triển khai gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 09, trong thời gian qua, một số đối tượng không được nhận hỗ trợ do không thuộc quy định của chính sách. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách các đối tượng là người lao động, sinh viên không thu nhập, người không thuộc đối tượng của Nghị quyết 09 đang gặp khó khăn để kịp thời giúp đỡ. "Người dân nếu gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ, chủ động liên hệ từng địa phương và thông qua các tổng đài để thành phố ghi nhận, kịp thời chăm lo", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết.

Về công tác điều trị bệnh nhân nặng, khi chuyển chiến lược sang tập trung cho công tác điều trị, thành phố đã tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế để tiến hành điều trị theo mô hình tháp 5 tầng. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung nhân lực, điều chỉnh quy trình, không để tình trạng bệnh nhân không được tiếp nhận hoặc tiếp nhận trễ. Ông Mãi cho biết, theo quan sát và phân tích, khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 (tháp 5 tầng điều trị) đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. thành phố sẽ tập trung khắc phục; đồng thời đề nghị Tổ công tác đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ kết nối liên thông với tầng 4, tầng 5 và kịp thời có chỉ định, biện pháp điều trị để giảm tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong.

Nhật Trường