TP Hồ Chí Minh quyết liệt đẩy lùi dịch Covid-19

- Thứ Bảy, 05/06/2021, 16:04 - Chia sẻ
1 tuần qua, nhịp sống ở đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước trở nên vắng lặng và yên tĩnh hơn bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Từ 0h ngày 31.5, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Đây được xem là phản ứng quyết liệt và kịp thời của lãnh đạo thành phố.

Hy sinh lợi ích kinh tế

TP Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước (chiếm gần 1/4 GDP toàn quốc). Do đó, giải pháp giãn cách xã hội của thành phố sẽ tác động lớn đến phát triển của nhiều địa phương khác và của đất nước. Đây là giải pháp quyết liệt mà lãnh đạo thành phố đã phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. Bởi một khi thực hiện giãn cách sẽ có rất nhiều tác động, như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, gián đoạn, việc học tập bị hạn chế, nhiều sinh hoạt, giải trí của người dân bị tạm dừng hoặc bị giới hạn. Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, thành phố phải chấp nhận giải pháp là cách ly, giãn cách trong 2 tuần. “Buộc phải chấp nhận hy sinh hai tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài. Hai tuần với TP Hồ Chí Minh rất lớn nhưng không có cách nào khác, chúng ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất”, ông Nên nhấn mạnh.

	Lực lượng Quân đội tiến hành phun khủ khuẩn toàn bộ quận Gò Vấp
Lực lượng Quân đội tiến hành phun khủ khuẩn toàn bộ quận Gò Vấp

Ngay từ giai đoạn dịch bệnh bắt đầu phát sinh và diễn biến phức tạp trong cả nước (từ ngày 27.4), TP Hồ Chí Minh đã tăng cường nhiều hoạt động, biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó, tạm dừng nhiều hoạt động không thiết yếu; tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung đông người tại nơi tín ngưỡng, thờ tự. Yêu cầu người dân tự giác chấp hành các biện pháp 5K của Bộ Y tế; không tụ tập đông người bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện. Hiện nay, toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu khẩn trương điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm người mắc bệnh. Huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, có ngày đạt công suất 100.000 người/ngày. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, ổ dịch từ nhóm truyền giáo Phục Hưng được xem là nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất. Bên cạnh đó, với chủng virus mới có chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, từ 2-3 ngày và có thể nhanh hơn. Thời điểm phát hiện ra ca bệnh đầu tiên đã chậm từ 13-14 ngày tương đương 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Do đó, các giải pháp TP Hồ Chí Minh đang triển khai là kịp thời để phát hiện, khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ Y tế nhận định, nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh trong khu công nghiệp là rất lớn. Trong đó, một số ca bệnh đã xuất hiện trong khu công nghiệp, các văn phòng, cao ốc. Đây là những khu vực có môi trường làm việc trong phòng kín, điều hoà, do đó nguy cơ lây bệnh cao hơn. Bộ Y tế nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh cần xác định đây là thời điểm phải can thiệp mạnh, quyết liệt hơn, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm hơn ở một số địa bàn, đảm bảo việc sản xuất nhưng tăng tốc về năng lực y tế mới có thể dập dịch triệt để.

Truy vết đến tận F3

Từ ngày 27.4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm và đáng lo ngại nhất là chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp với hơn 280 trường hợp nhiễm bệnh phân bổ trên địa bàn 20/22 quận, huyện của thành phố. UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, hiện nay dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nguồn lây nhiễm chưa xác định được. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. TP Hồ Chí Minh cũng đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm mở rộng toàn thành phố (khoảng 1,6 triệu mẫu).

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết số ca nhiễm bệnh đã có dấu hiệu giảm dần. Cụ thể, so với trước ngày 1.6, số ca nhiễm phát hiện hằng ngày là trên 50 ca. Hiện tại, trung bình mỗi ngày thành phố phát hiện khoảng 30 ca bệnh. "Dịch bệnh có dấu hiệu chững lại và giảm dần. Đây là tín hiệu mừng, cho thấy thành phố đã truy vết, khoanh vùng kịp thời. Cần tiếp tục khoanh vùng, truy vết triệt để hơn nữa", ông Bỉnh nói. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng dự đoán, có thể thời gian tới số ca nhiễm sẽ tăng thêm vì có những ca F1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng nay mới phát bệnh. Tuy nhiên những trường hợp này đều đã được cách ly từ đầu nên không còn nguy cơ lây lan trong cộng đồng. UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng phương án mở rộng truy vết sớm đến F3, để đón đầu trước tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, sẵn sàng cho các bước tiếp theo.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tích cực cùng với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tìm kiếm nguồn vaccine cho người dân thành phố. UBND Thành phố cho biết, trong quá trình chờ vaccine cần quán triệt và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện yêu cầu 5K trên toàn địa bàn Thành phố. Những sai phạm, tùy theo mức độ, phải xử lý kịp thời và kiên quyết để răn đe. Thành phố sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm trên địa bàn gặp khó khăn vì Covid-19 để duy trì thực hiện “Mục tiêu kép” và chính sách an sinh xã hội hiệu quả.

Nhật Trường