UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, yêu cầu việc triển khai quy hoạch hạ tầng PCCC phải bám sát mục tiêu, định hướng của Quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 203 và Quyết định số 819 của Thủ tướng; đồng thời bảo đảm tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt và quy hoạch chung của thành phố.
TP. Hồ Chí Minh sẽ huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng PCCC; phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn; kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, đầu tư công tập trung cho các dự án quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư.
Về phát triển hạ tầng PCCC từ năm 2024 - 2030, UBND TP sẽ xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cấp thành phố và cấp quận, huyện, TP. Thủ Đức bảo đảm các đơn vị được đầu tư doanh trại riêng, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm định mức quy định của Bộ Công an; phấn đấu đến năm 2030 đầu tư xây dựng hoàn thành 17 đơn vị. Đến năm 2050, xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới trụ sở, doanh trại, bảo đảm bán kính bảo vệ theo quy định.
UBND thành phố cũng phân công nhiệm vụ cho Công an thành phố tổ chức công bố công khai đầu tư phát triển hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân khi triển khai thực hiện.
Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức căn cứ theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với nhau trong công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất, tài chính đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch hạ tầng PCCC; phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị có liên quan nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách được pháp luật quy định, đặc biệt cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.