TP. Hồ Chí Minh: Hàng loạt sai phạm tại các cơ sở vận chuyển cấp cứu

Trong số 10 cơ sở được cấp phép hoạt động dịch vụ vận chuyển cấp cứu tại TP. Hồ Chí Minh, có 2 cơ sở đóng cửa, 6 cơ sở vướng hàng loạt sai phạm và đa số các cơ sở chỉ đủ năng lực vận chuyển người bệnh thông thường. 

TP. Hồ Chí Minh: Hàng loạt sai phạm tại các cơ sở vận chuyển cấp cứu
Hầu hểt cơ sở vận chuyển cấp cứu tại TP. Hồ Chí Minh đều có sai phạm. Ảnh minh hoạ

Sở Y tế vừa thông tin về kết quả đợt kiểm tra toàn diện các cơ sở cung ứng dịch vụ vận chuyển cấp cứu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, Sở Y tế tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển người bệnh cấp cứu nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đúng theo các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về y tế. 

Tính đến nay, tổng số cơ sở được Sở Y tế cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này là 10. Trong đó, đã có 2 cơ sở đóng cửa. 

Kết quả kiểm tra 8 cơ sở đang hoạt động cho thấy 6 cơ sở có sai phạm và bị đề nghị xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ có 2 cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh. 

Trong số 6 cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm được đoàn kiểm tra ghi nhận là: Không có bãi đậu xe theo như biên bản thẩm định của Sở Y tế (thời điểm xin cấp phép); Chưa bổ sung kịp thời đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu trên xe cứu thương theo quy định; Bổ sung, thay thế xe vận chuyển cấp cứu chưa qua thẩm định các điều kiện an toàn cho người bệnh; sử dụng nhân sự chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chưa đăng ký hành nghề với Sở Y tế.

Không niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở, chưa kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế; Chưa lập sổ theo dõi vận chuyển người bệnh, theo dõi chuyên môn các ca cấp cứu, chuyển viện; Chưa tiến hành thủ tục xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo các dịch vụ cấp cứu, vận chuyển và hỗ trợ người bệnh theo quy định…

Ngay sau kiểm tra, Lãnh đạo Sở Y tế đã tổ chức buổi gặp gỡ các cơ sở này trên địa bàn nhằm lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu các đơn vị vận chuyển cấp cứu tư nhân phải chấn chỉnh, tuân thủ các quy định pháp luật, tăng cường sự phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố góp phần phục vụ người dân ngày một tốt hơn. 

Theo Sở Y tế, qua trao đổi, hầu hết cơ sở dịch vụ dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh chỉ đủ năng lực và điều kiện hỗ trợ vận chuyển người bệnh thông thường. Hơn nữa, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới có hiệu lực từ tháng 1.2024, khi đó, các cơ sở vận chuyển người bệnh cấp cứu phải có nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề cấp cứu viên ngoài bệnh viện. Chắc chắn rằng, các trường thuộc khối ngành sức khoẻ sẽ mở mã ngành cấp cứu viên ngoài bệnh viện để đào tạo loại hình nhân lực y tế mới này để cung ứng cho các cơ sở y tế tham gia cung ứng dịch vụ vận chuyển người bệnh cấp cứu. 

Sở Y tế kiến nghị các trường thuộc khối ngành sức khoẻ sớm mở thêm mã ngành chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện và mở các khoá đào tạo cho loại hình nhân viên y tế này, kiến nghị Bộ Y tế sớm có quy định rõ hơn về các loại hình xe cứu thương như các nước phát triển trên thế giới.

Sở Y tế cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các các lực lượng chức năng để phát hiện, xử lý dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy định chuyên môn kỹ thuật, điều kiện hành nghề của các cơ sở đã được cấp phép. 

Sở Y tế kêu gọi các cơ sở vận chuyển cấp cứu người bệnh phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ các quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để góp phần đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ này.

Đồng thời kêu gọi người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép, có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 098 940 1155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định. 

Theo Sở Y tế, khi tham khảo hoạt động cấp cứu ngoại viện của 14 quốc gia tại Châu Âu, bao gồm: Bỉ, Croatia, Cộng hoà Séc, Estomia, Đức, Hungary, Ireland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na uy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương Quôc Anh (năm 2015) cho thấy việc tổ chức cấp cứu ngoại viện ở các quốc gia này khá giống nhau. Loại hình nhân viên y tế tham gia các đội cấp cứu ngoại viện sẽ thay đổi tùy theo loại phương tiện vận chuyển, với nhiều loại hình nhân viên y tế như bác sĩ, cấp cứu viên, trợ lý điều dưỡng, lái xe... 

Đối với loại hình xe cứu thương không khẩn cấp (vận chuyển người bệnh thông thường), thì không cần có bác sĩ trên xe cứu thương, nhưng với loại hình xe cứu thương khẩn cấp thì bắt buộc thành viên của đội cấp cứu phải có bác sĩ. Hầu hết các quốc gia này, dịch vụ vận chuyển cấp cứu đều có sự tham gia của cả cơ sở công lập và tư nhân, chỉ có vài quốc gia là hoàn toàn là công lập (Croatia, Cộng hoà Séc, Latvia và Vương quốc Anh).

Hầu hết đều có những quy định cho hoạt động cấp cứu ngoại viện ở cấp quốc gia và tất cả đều có quy định riêng biệt cho 2 loại hình xe cứu thương không khẩn cấp (Ambulance) và xe cứu thương khẩn cấp (Emergency Ambulance). Nếu xe chỉ để vận chuyển người bệnh từ nhà đến cơ sở điều trị hoặc từ cơ sở điều trị này đến cơ sở điều trị khác mà không có can thiệp điều trị cấp cứu hoặc không cần tiếp tục hồi sức trên đường chuyển thì sử dụng loại xe cứu thương “Ambulance”. Ngược lại, nếu xe dùng để đến hiện trường ở ngoài bệnh viện để nhân viên y tế sơ cấp cứu và sau đó vận chuyển người bệnh về bệnh viện để tiếp tục điều trị, cần tiếp tục hồi sức trên xe thì sử dụng loại xe cứu thương có tên là “Emergency Ambulance”. 

Không chỉ phân biệt về chức năng của 2 thuật ngữ trên, tại một số nước còn quy định rõ: Đối với xe “Ambulance” thì không được trang bị hệ thống đèn ưu tiên gắn trên xe và không được trang bị còi hú, nhân viên đi theo xe không nhất thiết là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo chính quy; Đối với xe “Emergency Ambulance” phải được trang bị hệ thống đèn ưu tiên và còi hụ, nhân viên đi theo xe phải là bác sĩ chuyên khoa cấp cứu (Châu Âu) hoặc chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo chính quy (Mỹ, Anh, Úc,..).

Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á
Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và các kỹ sư từ Trung tâm công nghệ 3D trong y học, Đại học VinUni đã thực hiện thành công ca phẫu thuật triệt căn khối u trung thất với kích thước 11,5 cm và tái tạo lồng ngực cho bệnh nhân bằng vật liệu Titan.

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh
Sức khỏe

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh

Với lợi thế dây chuyền khám và tiêm hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ trên cả nước và tại 39 trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh, cùng gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển tiêm hơn 1.200 mũi vắc xin các loại trong ngày đầu chiến dịch tăng cường, trong đó có gần 200 mũi vắc xin sởi miễn phí.

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ
Sức khỏe

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ

Ngay sau cơn bão số 3 - Yagi vừa qua, FPT Long Châu đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế địa phương và các cơ quan báo chí để thực hiện hỗ trợ ứng cứu sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân vùng lũ.