Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đã có kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động tại Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức (Công ty Cấp nước Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Tổng số người lao động (NLĐ) đang làm việc tại công ty này là 456 người.
Qua kiểm tra 5 hợp động lao động giao kết với NLĐ, hợp đồng lao động ghi không cụ thể công việc phải làm của NLĐ mà ghi “theo sự phân công của trưởng phòng”. Điều này không đúng quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động, Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12.11.2020 của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH.
Hồ sơ đối thoại định kỳ không thể hiện các bên gửi nội dung đối thoại cho bên tham gia đối thoại trước ngày đối thoại ít nhất 5 ngày làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 của Chính phủ.
KLTT chỉ ra Công ty Cấp nước Thủ Đức chưa tổ chức đối thoại khi xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động.
Hồ sơ thương lượng tập thể chưa có thông báo bằng văn bản về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể của đại diện tập thể NLĐ với người sử dụng lao động hoặc ngược lại theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Lao động; không có biên bản cuộc họp thương lượng tập thể theo quy định tại khoản 5 Điều 70 Bộ luật Lao động.
Còn khoản 1 Điều 4 nội quy lao động về thời giờ làm việc quy định “tùy công việc cấp bách không thể trì hoãn, doanh nghiệp có thể huy động làm thêm giờ” là không đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động.
Công ty Cấp nước Thủ Đức chưa hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 136 Bộ luật lao động.
Không bố trí người làm công tác y tế hoặc thành lập bộ phận y tế hoặc có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NLĐ theo quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 73 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
KLTT cũng chỉ ra, biên bản kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động không ký tên, đóng dấu đơn vị sử dụng thiết bị, không ghi tên người chứng kiến kiểm định theo quy định tại Thông tư số 54/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28.12.2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH.
Thẻ an toàn lao động không có ảnh của người lao động, ghi nội dung không đúng mẫu 06 (không ghi địa danh nơi cấp thẻ); giấy chứng nhận huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của an toàn, vệ sinh viên không có ảnh của người được huấn luyện theo mẫu 08; Sổ theo dõi người thuộc nhóm 4 được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động không có chữ ký của NLĐ theo mẫu 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ.
Mục công việc tại Thẻ an toàn lao động ghi “Nhân viên Gis”, “Nhân viên quản lý địa bàn” là không đúng theo danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20.8.2020 của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH.
Ngoài ra, KLTT cũng chỉ ra: năm 2023, Công ty Cấp nước Thủ Đức không tiến hành quan trắc môi trường lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động; chưa trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30.6.2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe NLĐ.
KLTT cho biết, với hàng loạt vi phạm trên, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB-XH đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-XPHC ngày 21.10.2024 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cấp nước với số tiền 50 triệu đồng.
Thanh tra Bộ LĐTB-XH yêu cầu Công ty chấp hành quyết định xử phạt và khắc phục các sai phạm đã được Thanh tra Bộ kết luận.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin kết quả thực thi pháp luật trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.