Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 385/KL-TTTP-P3 liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách tại các dự án trên địa bàn huyện Cần Giờ do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ (Ban QLDA Cần Giờ) làm chủ đầu tư.
Lập, đánh giá hồ sơ mời thầu "chớp nhoáng, mang tính hình thức"
Theo KLTT, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Trần Lê C.O (Công ty Trần Lê C.O) là đơn vị được chỉ định thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu của “Gói thầu số 1 – xây lắp” và “Gói thầu số 12 – tư vấn giám sát thi công” thuộc Dự án xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh (huyện Cần Giờ). Tổng giá trị “tiền công” của công việc trên là hơn 151 triệu đồng (gói 1: hơn 136 triệu đồng và gói 2 hơn 15 triệu đồng).
Công ty Trần Lê C.O lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, bàn giao hồ sơ mời thầu (HSMT) của 2 gói thầu “xây lắp” và “tư vấn giám sát thi công” nêu trên chỉ trong ngày 7.2.2018 và cùng ngày Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 63/QĐ-SNN về việc phê duyệt thiết kế và dự toán xây dựng công trình hệ thống đê bao sông Hà Thanh. Điều này là chưa phù hợp về thời gian thực hiện.
Tại “Gói thầu số 1 – Xây lắp”, giá gói thầu hơn 190 tỷ đồng, qua đấu thầu, Liên danh Công ty Cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty Cổ phần Xây dựng Vận tải Kinh doanh Nhà Hải Đăng trúng thầu với giá hơn 189 tỷ đồng (Công ty Hải Đăng bị Thanh tra phát hiện có nhiều dấu hiệu gian lận trong đấu đầu – PV). Qua đấu thầu tiết kiệm hơn 151 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền thuê Công ty Trần Lê C.O làm công tác tư vấn đã hơn 136 triệu đồng.
Tại “Gói thầu số 12 – Tư vấn giám sát thi công” có giá gói thầu hơn 2,4 tỷ đồng, giá trúng thầu hơn 2,3 tỷ đồng. Qua đấu thầu tiết kiệm hơn 44 triệu đồng nhưng tiền thuê Công ty Trần Lê C.O làm công tác tư vấn là hơn 15 triệu đồng.
KLTT cho biết, hiệu quả tiết kiệm từ công tác đấu thầu mang lại so với chi phí để tổ chức đấu giá là gần như không đáng kể.
Đối với công trình Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Mốc Keo (tổng mức đầu tư dự án hơn 129 tỷ đồng - PV), Ban QLDA Cần Giờ chỉ định nhà thầu làm đơn vị tư vấn lập HSMT của Gói thầu số 2: “Tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu tư vấn khảo sát địa hình, địa chất, lập thiết kế bản vẽ thi công – dự toán xây dựng”. Nhà thầu của gói thầu trên thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, bàn giao HSMT của gói thầu trên được thực hiện hoàn tất chỉ trong ngày 20.11.2020. Điều này là không hợp lý về thời gian thực hiện, có dấu hiệu lập HSMT mang tính hình thức.
Không hợp tác với Đoàn Thanh tra, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng
Theo KLTT, 11 Dự án đầu tư thuộc Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn xã Lý Nhơn (hiện dự án tạm ngưng thực hiện). Gồm các dự án: kênh, đê, cống thoát nước khu vực Đồng Tròn; kênh dọc đường ông Tín; kênh dọc đường Dương Văn Hạnh; kênh dọc đường Đình thờ Dương Văn Hạnh; kênh dọc đường ông Ánh…).
Tổng chi phí Ban QLDA Cần Giờ đã nghiệm thu, thanh toán cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư (khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm định dự án) và một phần giai đoạn đầu tư (lập, thẩm tra bản vẽ thi công; lập kế hoạch bảo vệ môi trường; rà phá bom mìn) của 11 dự án trên với tổng số tiền hơn 14,2 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án dừng thực hiện và quyết toán vốn đầu tư công, có nguy cơ lãng phí số tiền hơn 14,2 tỷ đồng đã chi cho các công tác chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư và lựa chọn nhà thầu.
Trong 11 dự án, có 10 dự án (trừ Dự án tuyến đường đê vận chuyển muối từ rạch Mương Thông – Bức Mũ – Đuôi chồn) được Ban QLDA Cần giờ chỉ định thầu Công ty TNHH Tư vấn Khảo sát Thiết kế và Xây dựng Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) thực hiện gói thầu “lập nhiệm vụ khảo sát; khảo sát địa chất bước lập báo cáo kinh tế kỹ thuật”.
KLTT cho biết, theo nhật ký khảo sát của 10 dự án thể hiện: trong cùng thời gian ngày 24-30.4.2018, nhà thầu thực hiện khoan lấy mẫu và kiểm nghiệm đồng thời tại 10 dự án nhưng chỉ với 6 nhân sự. Như vậy, nhà thầu thực hiện khoan khảo sát địa chất tại 10 dự án có vị trí khác nhau trong cùng thời điểm với chỉ 6 nhân sự cố định là bất hợp lý, khó khả thi trên thực tế.
Theo KLTT, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã 2 lần mời Công ty Nam Sài Gòn làm việc để làm rõ. Tuy nhiên, đơn vị không đến làm việc và không có ý kiến phúc đáp. Do đó, cần giao cơ quan có chức năng tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có).
Ngày 29.10, PV Báo Đại biểu Nhân dân tìm đến địa chỉ của Công ty Nam Sài Gòn tại Phường 16, quận Gò Vấp nhưng tại đây đóng kín cửa, không có bảng thông tin doanh nghiệp (đã bị xóa).
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.