Gói thầu hơn 450 triệu đồng, tiết kiệm 0 đồng
Tại Kết luận thanh tra (KLTT) số 1226/KL-TT của Thanh tra tỉnh Tiền Giang, năm 2023, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang (Công ty Công trình thủy lợi Tiền Giang) triển khai Gói thầu gia công thuyền cắt lục bình (thuyền lớn), hình thức chỉ định thầu có giá dự toán hơn 450 triệu đồng, giá trúng thầu 450 triệu đồng. Tỷ lệ giảm thầu 0%.
Đối với gói thầu trên, tại Công văn số 336/TL-KHKT ngày 16.6.2023 của đơn vị nêu: trang thiết bị thuyền lớn động cơ đẩy và động cơ cắt đều 70HP như dự toán mua thiết bị thuyền lớn động cơ đẩy và động cơ cắt đều 100HP. Điều này không phù hợp chủ trương Công ty đề nghị trang bị. Các loại động cơ đẩy; động cơ cắt; hộp số…đều mua loại đã qua sử dụng nhưng không quy định năm sản xuất, thời gian sử dụng nên so sánh 3 báo giá không đầy đủ thông số kỹ thuật và không phù hợp về giá so sánh. Dự toán: lập thừa khối lượng thép gia cố khung xương 519kg dẫn đến quyết toán thừa số tiền hơn 17 triệu đồng.
Về lựa chọn nhà thầu: hồ sơ năng lực thể hiện đơn vị thi công không có công nhân nghề cơ khí, hàn điện bậc 4,5/7. Điều này không đáp ứng yêu cầu năng lực theo hồ sơ thiết kế; không đáp ứng theo yêu cầu TCVN 8298:2009 công trình thủy lợi - yêu cầu kỹ thuật trong chế tạo và lắp ráp thiết bị cơ khí, kết cấu thép.
Về quản lý chất lượng: vật tư không thí nghiệm chất lượng là không phù hợp Điều 12 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; không đáp ứng TCVN 8298:2009 công trình thủy lợi - yêu cầu kỹ thuật trong chế tạo và lắp ráp thiết bị cơ khí, kết cấu thép. Động cơ cắt và động cơ đẩy 100HP (đã qua sử dụng) không cung cấp hồ sơ xác định năm sản xuất (cung cấp hợp đồng mua máy sản xuất năm 1999); không cung cấp chứng từ pháp lý hợp pháp.
Quyết toán thừa hơn 145 triệu đồng
Theo KLTT, trong giai đoạn năm 2022 – 2023, tổng kế hoạch vốn giao để Công ty Công trình thủy lợi Tiền Giang thực hiện sửa chữa công trình thủy lợi là hơn 21,715 tỷ đồng; giá trị quyết toán 21,547 tỷ đồng/115 hạng mục (trung bình 187 triệu đồng/hạng mục).
Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã thanh tra chi tiết 17 hạng mục sửa chữa, vận hành công trình với tổng giá trị hơn 5,8 tỷ đồng và phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót. Cụ thể: hồ sơ, bản vẽ thiết kế có: nội dung thuyết minh chưa thống nhất về thời gian vận hành (thả, kéo phai ngăn mặn các cống DA ngọt hóa Gò Công 2022); bản vẽ thiết kế chưa thể hiện đầy đủ kích thước, chưa thể hiện đầy đủ các chi tiết chế tạo cửa van, không nêu rõ yêu cầu vật liệu, tiêu chí kỹ thuật của vật liệu ron cửa cống (Trạm bơm Bình Phan, cống Vàm Kênh, thay ron cửa cống - cống Vàm Giồng, 5 Út, rạch Vách, Sáu Thoàn, bà Giảng; cống Năm Le, Ba Đại, Hai Do, Mười Sùng, Hai Chớ); hồ sơ dự toán còn thiếu sót về khối lượng công việc, đơn giá vật tư, việc áp dụng định mức, biện pháp thi công, phân nhóm nhân công chưa đúng, sai đơn vị tính, dự toán kích thước không đúng so với bản vẽ (12/17 hạng mục còn thiếu sót).
Về lựa chọn nhà thầu (LCNT): hồ sơ về LCNT (kế hoạch, kết quả LCNT) không thực hiện đăng lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định Điều 8 Luật Đấu thầu năm 2013; hồ sơ đề xuất của đơn vị thi công không đề xuất nguồn gốc vật tư; không đề xuất nhân sự quản lý công trình; Hồ sơ năng lực thể hiện đơn vị thi công không có công nhân nghề cơ khí, hàn điện bậc 4,5/7…
Về quản lý thi công, thanh - quyết toán cũng có nhiều sai sót tại các công trình như: cống Bà Thêm, cống Bà Phú, cống Nghị Tĩnh… Đã thanh quyết toán thừa của 12 hạng mục công trình với số tiền hơn 145 triệu đồng.
Xử lý trách nhiệm thế nào?
Theo KLTT, ông Trần Hoàng Bá - nguyên Giám đốc (nay đã nghỉ hưu): chịu trách nhiệm trong việc ký các kế hoạch, tờ trình tổ chức lập bộ thủy lợi phí (TLP) năm 2022 căn cứ vào Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT đã hết hiệu lực.
Ông Phan Văn Nhã – Chủ tịch, kiêm Giám đốc, chịu trách nhiệm trong việc ký các kế hoạch, tờ trình tổ chức lập bộ TLP năm 2023 căn cứ vào Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT đã hết hiệu lực; Kế hoạch, Tờ trình giao nhiệm vụ, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 - 2023 còn hạn chế về xây dựng quỹ lương; đề nghị cấp kinh phí chi tiền làm thêm giờ phục vụ công tác lấy gạn phòng, chống hạn mặn vượt định mức; mua sắm, sửa chữa công trình còn hạn chế, thiếu sót.
Ông Đỗ Thành Sơn - Phó Giám đốc: chưa kịp thời tham mưu Giám đốc liên hệ, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các trường hợp lấn chiếm đất; trách nhiệm giúp Giám đốc quản lý, phê duyệt thẩm định dự toán sửa chữa công trình còn thiếu sót. Ông Lê Hoàng Khải - Kế toán trưởng: chịu trách nhiệm trong việc quản lý công tác thu, chi tài chính thiếu kiểm tra còn để xảy ra thiếu sót về tiền lương, tiền làm thêm giờ… Ngoài ra, còn một số cá nhân khác thuộc đơn vị.
Thanh tra tỉnh Tiền Giang cũng chỉ ra: ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm liên quan đến việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 29/2022/QĐ-UBND và ký Biên bản nghiệm thu hợp đồng cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích, thủy lợi năm 2023. Trong đó có nghiệm thu việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính được giao nhiệm vụ năm 2023 chưa đúng quy định.
Ngoài ra, còn có một số cá nhân là nguyên lãnh đạo, trưởng phòng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải chịu trách nhiệm với các sai sót của Công ty Công trình thủy lợi Tiền Giang.
Bị lấn, chiếm hơn 5.000m2 đất
Công ty Công trình thủy lợi Tiền Giang là doanh nghiệp công ích 100% vốn Nhà nước thuộc UBND tỉnh Tiền Giang; có chức năng, nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy loại (theo phân cấp) để cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo KLTT, đến nay 105 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước giao quản lý với tổng giá trị tạm tính hơn 814 tỷ đồng chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền giao đơn vị hạch toán nguyên giá tài sản vào sổ sách kế toán của đơn vị. Nhưng Công ty vẫn mở sổ theo dõi tổng hợp, thống kê các công trình cống, kênh và trạm bơm.
Công ty có 16 công trình cống bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm để cất nhà, trồng trọt với tổng diện tích hơn 5.200m2 (trong đó, 23 hộ dân lấn chiếm hơn 4.700m2).