Tọa đàm “Đề án Quy hoạch điện VIII: Tháo gỡ những nút thắt trong phát triển năng lượng”

- Thứ Bảy, 06/03/2021, 09:19 - Chia sẻ
Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) về cơ bản đến nay Việt Nam đã khai thác gần hết tiềm năng đối với thủy điện. Việc cấp than cho các nhà máy điện cũng gặp nhiều khó khăn, lượng tồn kho than tại các nhà máy điện ở mức thấp kỷ lục. Việt Nam đã phải nhập khẩu than để sản xuất điện.
Toàn cảnh tọa đàm

Bên cạnh đó, lượng khí cấp cho sản xuất điện cũng không đáp ứng đủ nhu cầu… Các nguồn tài nguyên hóa thạch như khí băng cháy, khí đá phiến và khí than của nước ta vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu tiềm năng, chưa có số liệu rõ ràng để có thể xem xét khả năng khai thác và sử dụng trong giai đoạn quy hoạch. 

Để vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng Quy hoạch điện VIII kỳ vọng sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch. 

Một trong những điểm nhấn của Dự thảo Quy hoạch điện VIII là đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện. Nhiều chuyên gia ngành điện cũng như các nhà đầu tư lĩnh vực này cho rằng, đây là chủ trương đúng nhằm từng bước giảm tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nhiên liệu nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Với chủ đề “Đề án Quy hoạch điện VIII: Tháo gỡ những nút thắt trong phát triển năng lượng”, chương trình tọa đàm do Báo điện tử Đại biểu Nhân dân tổ chức nhằm trao đổi ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý về nguồn năng lượng hóa thạch, năng lượng tái và việc tháo gỡ những nút thắt trong Đề án Quy hoạch điện VIII.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm

Khách mời tham gia tọa đàm gồm:

- PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y Tế;

- Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.

- TS. Ngô Đức Lâm, Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương;

- Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị Nông); 

 - Ông Vũ Xuân Thận, Trưởng ban mặt trận khu dân cư thôn Vũ Trù Làng, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang;

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Chuyên gia sức khỏe, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Thách thức trong bảo đảm an ninh năng lượng và cơ hội từ phát triển năng lượng tái tạo

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Từ năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn... Dự kiến, để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030. Đây là những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện. 

Thưa ông Ngô Đức Lâm, được biết, nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra do các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ so với dự kiến trong các Quy hoạch điện trước đây. Theo ông cần phải làm gì để “hóa giải” những khó khăn, nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng? 

Ông Ngô Đức Lâm: Quy hoạch điện VII yêu cầu phải cung cấp đầy đủ năng lượng đáp ứng sự phát triển của đất nước. Đó là mục tiêu của ngành năng lượng đặt ra. Nhưng trong quá trình thực hiện còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục như: GDP đặt ra nguồn tiêu thụ điện của đất nước rất lớn trong khi nhiều dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, dẫn đến nguy cơ thiếu điện. Bên cạnh đó, từ năm 2015, xu thế của thế giới đã chuyển từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo trong khi Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió và việc phát triển các nguồn điện được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhiều địa phương đề xuất nhưng còn vướng mắc về mặt pháp lý, quy hoạch, và khả năng cân đối của toàn hệ thống.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương chia sẻ tại Tọa đàm

Quy hoạch điện VIII hiện đã xây dựng xong. Một trong căn cứ để xây dựng Quy hoạch điện VIII là Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú ý vào vấn đề cung cấp đủ và có cả việc thực hiện  cam kết quốc tế đảm bảo tiêu chí như là biến đổi khí hậu, lượng khí thải CO2, ô nhiễm môi trường… Nghị quyết 55 đưa năng lượng tái tạo dần đến 40-45%, thậm chí là 48%. Trong lịch sử phát triển ngành năng lượng Việt Nam đấy là mục tiêu lớn ngang bằng với nhiệt điện than trong 40 năm phát triển. 

Tiếp đến là vấn đề tư nhân hóa, xã hội hóa trong vấn đề đầu tư và phát triển. Quy hoạch điện VIII, đầu tư hết 128 tỷ USD, trong đó mất 98 tỷ USD cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng than, khí, các nhà máy. Riêng đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo mất khoảng 40 tỷ USD. Tức là, chưa bao giờ tiền đầu tư cho năng lượng tái tạo chiếm một nửa đầu tư cho phát triển ngành điện lực. Đầu tư của năng lượng tái tạo cần thêm nguồn vốn lớn từ xã hội hóa, nguồn vốn của nhà nước phần lớn vẫn còn cho nhiệt điện than, lưới điện.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: TS Ngô Đức Lâm đã cho chúng ta một cái nhìn khái quát nhất và cũng có so sánh rõ nét nhất để thấy được những khác biệt giữa Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII.

Hai năm trước, chúng ta đã bàn đến vấn đề năng lượng, khi đó có đề cập tới các nguồn năng lượng như thủy điện, điện nguyên tử, năng lượng tái tạo và nhiệt điện, trong đó các chuyên gia nói nhiều về nguồn nhiệt điện này. Việc “hóa giải mâu thuẫn” như TS Ngô Đức Lâm đề cập là ở hướng đi của chúng ta đặt ra. Nếu chúng ta phát triển nhiệt điện nhiều mà không có giải pháp đi kèm theo thì có hạn chế huy động nguồn lực, vốn từ các nhà đầu tư ngoại đòi hỏi tiêu chuẩn về môi trường cao và các vấn đề liên quan khác. Trong khi trên thế giới đang hướng tới sử dụng nguồn năng lượng sạch, đây là nguyên nhân sâu xa gây ảnh hưởng tới sự phát triển các nguồn năng lượng hóa thạch.

TS Ngô Đức Lâm đã nhấn mạnh về sơ đồ trong Quy hoạch điện VIII, trên cơ sở Nghị quyết 55 đã có những điều chỉnh rất rõ. Đặc biệt, nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng dần trong khi nhiệt điện sẽ giảm. Đây chính là định hướng phát triển năng lượng trong tương lai.

TS Ngô Đức Lâm cũng đặt ra vấn đề, làm sao để huy động các nguồn lực xã hội hóa, huy động vốn để phát triển năng lượng tái tạo. Nếu chúng ta có cơ chế đúng, huy động đúng thì nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo sẽ rất lớn. Năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã có sự phát triển đột phá, mặc dù có sự xung đột giữa sản xuất tăng nhanh và truyền tải, tiêu thụ chưa theo kịp. Phát triển năng lượng tái tạo giúp chúng ta cân bằng nguồn năng lượng ở một mức độ nhất định.

Về nguồn năng lượng nhiệt điện, chúng ta phải làm sao để khai thác được nguồn lực sẵn có, đảm bảo nhu cầu về năng lượng cho phát triển  nhưng giảm thiểu tình trạng ô nhiễm hay vượt quá các tiêu chí, tiêu chuẩn trong nước, quốc tế mà chúng ta có thể và phải tuân thủ.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Xin được hỏi ông Nguyễn Quang Huân: Nghị quyết 55 -NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị nêu rõ nhiệm vụ cần xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước. Thưa ông, việc tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng có giúp giải quyết mối lo về an ninh năng lượng?

Ông Nguyễn Quang Huân: Việc tư nhân tham gia vào ngành năng lượng đã phần nào cứu Quy hoạch điện VII không bị phá sản hoàn toàn. Ví dụ như chỉ tiêu về điện mặt trời vào cuối năm 2020, theo Quy hoạch điện VII sẽ đạt khoảng 850 MW. Thực tế, nhờ tư nhân tham gia và có chính sách khuyến khích của Chính phủ, đến cuối năm đã đạt gần 17.000 MW. Quy mô công suất nguồn lực tư nhân là rất lớn. Do vậy hoàn toàn có thể thu hút được. Chẳng hạn như trong Quy hoạch điện VIII, phụ lục chương 10 cũng đề cập đến nếu chúng ta phê duyệt tất cả các công trình đã đăng ký thì tới năm 2030 sẽ có thể vượt công suất nhiều lần. Như vậy tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo và nguồn lực tư nhân còn rất lớn. Trong khi đó chúng ta còn đang cân đối chuyện nhập than và làm một số nguồn ô nhiễm khác có thể sẽ cần làm một bài tính, hoặc vấn đề thủy điện nhỏ cũng cần làm một bài tính để đánh giá hệ quả xấu tác động đến môi trường trong thời gian qua. Nếu tính toán tốt, có chính sách tốt để thu hút tư nhân không thể chỉ khuyến khích bằng giá như vừa qua chúng ta đã làm. Bởi khuyến khích giá tốt như thế nhưng không có điều kiện giàng buộc cụ thể có thể gây vỡ quy hoạch sẽ làm việc vận hành của ngành điện, điều tiết gặp nhiều khó khăn. 

Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại Tọa đàm

Về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, trong Nghị quyết 55 đã đề cập đó là khuyến khích áp dụng công nghệ. Hiện nay, trên thế giới đã có công nghệ phát điện mặt trời 24/24. Bản thân tôi đã sang Israel, tìm hiểu, và đến cuối năm 2019 đã định mời chuyên gia sang để làm thử điện mặt trời theo kiểu thu nhiệt để tích trữ điện, có thể phát 24/24. Ở Mỹ, Canada cũng đã có những công trình điện mặt trời như thế. Đấy là tiềm năng sẽ thu hút được tư nhân tham gia nhiều hơn.

Bên cạnh đó, để thu hút vốn đầu tư tư nhân cần chính sách dài hạn, vì chính sách ngắn hạn sẽ không kịp xây dựng các chiến lược, có kế hoạch huy động vốn. Như điện gió sắp tới, đến 30.10 năm nay sẽ hết hạn thì sau đó sẽ như thế nào vẫn chưa có cơ chế giá. Có những dự án đã đăng ký rồi nhưng chưa ai dám thi công vì rủi ro rất lớn, đặc biệt là điện gió kinh phí đầu tư lớn. Nếu đầu tư vào mà không biết giá sẽ gây rủi ro cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, cần bảo đảm quy hoạch sát thực tế, chúng ta cũng nên áp dụng công nghệ, chính sách dài hạn, phương án tiêu thụ điện tại chỗ. Nếu như trước đây Bộ Công thương đã đưa ra phương án bán điện trực tiếp thì hiện nay có một số vùng có tiềm năng về điện rất lớn nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc phát tất cả điện sản xuất được phát trên lưới thì sẽ rất khó khăn cho truyền tải. Nhưng nếu nghĩ đến tiêu thụ điện tại chỗ, đặc biệt những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, khu cụm cơ sở công nghiệp, các thành phố khác mà chúng ta sản xuất được điện tại đó, như: khu vực miền Trung, miền Nam thì việc phát lưới, làm lưới quá tải sẽ giảm đi rất nhiều. Thay vì nâng công suất, khả năng truyền tải mạng lưới thì có thể tính đến việc bán điện tại chỗ sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Hiện nay nhiều nhà đầu tư trong nước và các doanh nghiệp FDI đang chuyển sang xu hướng đầu tư vào năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và Ninh Thuận là điểm đến của hình thức đầu tư này. Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, ông đánh giá như thế nào về bước chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đối với môi trường và sức khỏe con người?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường là nơi nghiên cứu về ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người dân. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Nhà nước cũng như các tổ chức chung tay chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y Tế chia sẻ tại Tọa đàm

Năng lượng hoá thạch mang nhiều yếu tố độc hại, đặc biệt kim loại nặng như thuỷ ngân, chì… Ở Việt Nam, tỷ lệ trung bình cứ 1 kg than đốt lên thải ra 0,4 mg thuỷ ngân. Mà thuỷ ngân khi ở nhiệt độ cao bay hơi rất mạnh và sau khi bay lên trời lại ngưng tụ và rơi xuống đất. Những chất mà chúng ta đốt tạo rác thải, khí thải ra môi trường như thuỷ ngân theo nhiệt độ cao phát tán lên trên. 

Với công nghệ sạch và có thể lọc khí chất độc được nhiều càng giảm tải được ô nhiễm môi trường. Nhưng công nghệ của chúng ta giảm tải được bao nhiêu % trong khi chỉ 1 lượng nhỏ bay lên đã tạo ra ô nhiễm môi trường rất lớn. Khi đốt thì lượng bụi mịn bay lên cũng rất nhiều, ảnh hưởng tới môi trường sống trong lành của người dân sống xung quanh rất lớn.

Rất mừng vì khi chúng ta đã có chuyển đổi mạnh mẽ từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng khác. Đây là bài toán của các nhà khoa học làm thế nào để chúng ta có những bước tiến từ tích lũy điện mặt trời thời gian ngắn sang điện gió theo mùa để tận dụng năng lượng tái tạo hiệu quả, bền vững hơn. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học phải áp dụng từ quốc tế để tận dụng, sử dụng chuyển đổi khai thác. Đơn cử, miền Trung nắng, hiện rất nhiều diện tích đất không trồng gì cả, vậy chúng ta làm điện mặt trời thời gian rất ngắn trong ngày được khoảng 6 – 7 tiếng, phải từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới hết, là dự nguồn rất lớn. Dưới góc độ y tế, cũng mừng ô nhiễm môi trường giảm đi rất nhiều, trước kia hơn 50% rồi xuống 48%, 36%. Khi thay đổi như thế này thì môi trường sạch hơn rất nhiều. 

Lẽ ra, chúng ta nên có nghiên cứu để chỉ cho người dân mức độ ô nhiễm như: than đốt như thế thì mức độ nhà máy đó có bảo đảm được không, phát tán ra bên ngoài sau khi đã lọc rồi gây ô nhiễm đến mức như thế nào để cảnh báo, khuyến cáo cho Nhà nước, cũng như đẩy nhanh tiến độ tái tạo năng lượng xanh.

Dưới góc độ y tế, chúng tôi đánh giá rất cao sự chuyển đổi của Nhà nước cũng như chung tay của người dân vào công tác chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Ngô Đức Lâm, nhu cầu đầu tư cho ngành điện hàng năm được đặt ra trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII là 12-13 tỷ USD/năm, nghĩa là trong giai đoạn 2021-2045 cần tới 320 tỷ USD. Nếu áp dụng nhiều giải pháp như ứng dụng công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo… liệu có giảm sức ép lên ngành năng lượng, đủ khả năng vừa phục vụ kinh tế vừa đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia?

Ông Ngô Đức Lâm: Bây giờ gọi là đầu tư, ví dụ 10 phần, thì vốn trong nước tự có yêu cầu tối thiểu 20-25%, mà ta cũng chỉ đến đấy là “kịch kim”, không thể có nguồn nào trong nước dù trái phiếu đi chăng nữa. Vậy còn ¾ kia thì phải có mấy biện pháp, một là nước ngoài đầu tư vào qua BOT. Hai là phải xã hội hóa, tức là nhà nước và nhân dân cùng làm. Chúng ta chứng kiến điện năng lượng mặt trời vừa qua, trong các năm từ 2018-2020 phát triển một loạt toàn của tư nhân. Nhưng theo tôi muốn tư nhân an tâm đầu tư cho năng lượng tái tạo thì Nhà nước cần có chính sách cho lĩnh vực này ổn định và rõ ràng. Tôi ví dụ như quy định về tấm pin mặt trời, vừa qua phát triển tràn lan, pin năng lượng mặt trời muốn nhập của hãng nào cũng được. Khi Nhà nước quy định quy chuẩn, chỉ có loại này không tổn hại môi trường, hiệu suất cao, vậy thì những nhà đầu tư khác bỏ tiền ra mua các tấm pin không thuộc quy chuẩn mới rồi thì phải làm sao. Theo tôi, đấy là vấn đề chính sách của chúng ta phải cực kỳ minh bạch, ổn định mới thu hút nhà đầu tư bỏ vốn.

Mặt khác, đầu tư vào năng lượng tái tạo thì giá điện sẽ tăng. cái này trong Quy hoạch Điện VIII chưa đề cập đến. Những đối tượng cần phải có hỗ trợ là những đối tượng chính sách thì trước đây, chúng ta giao cho ngành điện lực giải quyết chính sách là chưa phù hợp, phải là nhà nước giải quyết. Nếu chúng ta giải quyết được giá và ổn định lâu dài thì đó chính là chính sách giá cả.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Cùng với nỗ lực của ngành điện nói chung, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Nhà nước cũng như chủ đầu tư cần phải làm gì trong việc bảo đảm an ninh năng lượng trong hệ thống? 

Giám đốc Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị Nông) Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ tại Tọa đàm

Ông Nguyễn Hồng Sơn: Để bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia, ngoài các vấn đề về kỹ thuật như các chuyên gia vừa nói thì chúng ta phải thực hiện tốt Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị nhằm bảo đảm tốt các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề an sinh. Làm dự án nhiệt điện cũng phải bảo đảm được các tiêu chuẩn, tiêu chí về môi trường; bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội. Tôi rất đồng tình với các nhà khoa học trên thế giới hiện nay khi phát triển năng lượng thay thế. Mọi hoạt động trong cuộc sống đều hướng tới yếu tố sạch, phi cacbon. Các nhà đầu tư nên đón bắt các xu thế sạch như vậy. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là nghị quyết đón đầu, đi tắt để xanh hóa cho sản xuất, xanh hóa cho môi trường.

Chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Đặc thù của năng lượng tái tạo là sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như nước, nắng, gió, vị trí địa lý… lợi nhuận của nguồn năng lượng tái tạo thấp, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ. Do đó, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể để đến năm 2030, tỷ phần điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam đạt 20% như mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Xin được hỏi ông Nguyễn Trọng An: Thực tế, cuộc đua sử dụng năng lượng tái tạo là xu hướng khách quan, có sức ép cho các nước đi sau đặc biệt là các nước đang phát triển đang đối mặt với thực hiện tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính… Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về nhu cầu phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo? 

Ông Nguyễn Trọng An: Nhu cầu chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là rất cần thiết. Bởi, trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị tháng 2.2020, đặc biệt là định hướng, quan điểm chỉ đạo trong văn kiện tại Đại hội Đảng XIII về phát triển đất nước, phát triển môi trường trong an sinh xã hội, tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người đã có định hướng, chỉ đạo về việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả về đất đai, tài nguyên, môi trường để làm thế nào đưa ra những giải pháp hữu ích. Chính vì vậy, trong Quy hoạch điện VIII, chúng tôi đã nghiên cứu và có nhiều lần đóng góp cho Quy hoạch điện VIII, cần thiết phải cân đối lại về phát triển năng lượng. 

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, chuyên gia sức khỏe, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ tại Tọa đàm

Để đạt được mục tiêu 20% đến năm 2030, chúng ta cần đưa chỉ số bụi mịn PM 2.5 vào trong Quy hoạch điện VIII. Lấy đây là thước đo, chỉ số để đánh giá về ô nhiễm môi trường, đánh giá về ảnh hưởng sức khỏe. Ngày hôm qua, chúng tôi đã có một cuộc tọa đàm trực tuyến với Liên Minh năng lượng bền vững, có một chuyên gia người Đức nghiên cứu về Quy hoạch điện VIII cho rằng, nếu vẫn theo quyển Điện VIII như hiện nay thì Việt Nam là nước nằm trong top đứng đầu tỷ trọng phát thải tính theo đầu người và nguy cơ trở thành nước ô nhiễm nhất thế giới vào năm 2030. Trong khi đó, chúng ta có hướng giải quyết khi có gió, mặt trời. Rất mong các nhà khoa học có phân tích chi phí hiệu quả, chi phí lợi nhuận và lấy chỉ số sức khỏe để phân tích. 

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Quang Huân theo ông, chúng ta có thể làm được gì hơn nữa để phát triển năng lượng tái tạo? 

Ông Nguyễn Quang Huân: Trong nghị quyết 55 nêu rất rõ, việc xử lý điện rác, nhưng biến rác thành tài nguyên thì lại ít được đề cập. Một ngày Việt Nam đang thải ra 35.000 tấn rác thải đô thị, nếu tính ra đầy đủ tương đương với một nhà máy 1.000 MW. Hiện nay các công nghệ mới có thể xử lý được tất cả các chất độc, đốt được tất cả các loại vật liệu như lốp xe, chai nhựa… Nếu chúng ta xử lý được rác sẽ có 1.000 MW điện/ngày bảo đảm an ninh năng lượng. Để có chính sách phát triển, thu hút được nhà đầu tư, cần có chính sách minh bạch. Trong quy hoạch điện VIII, tại phụ lục 9.4, cần phải định nghĩa rõ ràng cho các nhà đầu tư. Trong phụ lục 9.3, chúng ta đã phân ra các vùng, các tỉnh nào thì năng lượng nào được phát triển, song lại đưa danh sách các dự án điện gió ngoài khơi và tên các nhà đầu tư vào, như vậy sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư khác. Về mặt chính sách, luật hóa văn bản cần hết sức cân nhắc để tạo đồng thuận ngoài xã hội, thu hút thêm các nhà đầu tư đầu tư lâu dài, bảo đảm chính sách công bằng, minh bạch cho tương lai.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Để vượt qua những thách thức trong giai đoạn chuyển sang nhập siêu năng lượng, theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn cần có những giải pháp căn cơ gì để giảm dần giảm sự phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, đa dạng hóa hệ thống năng lượng tái tạo nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn và hướng tới bảo đảm sức khỏe con người?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Theo tôi, chúng ta phải làm sao để Nhà nước, người dân hiểu một cách thấu đáo thực sự về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và vấn đề rác thải. Ở đây, chúng ta cần có những báo cáo đánh giá về năng lượng hoá thạch gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào, tồn dư như ra sao và ngay cả vấn đề ô nhiễm nguồn nước v.v… Các nhà máy đang hoạt động, nhà máy nào gây ô nhiễm môi trường nặng quá thì chúng ta có những chế tài, biện pháp cải tiến để làm sao giảm thiểu tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường. Còn những nhà máy mới vẫn trong quy hoạch, định hướng tiếp tục sử dụng nhà máy dùng năng lượng hoá thạch thì phải chọn công nghệ nào cho bảo đảm. Ở Nhật hay các nước phát triển vẫn sử dụng năng lượng hoá thạch nhưng họ có công nghệ giảm thiểu tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường; hoặc vẫn phải dùng vì không đủ nguồn khác thì cũng phải chọn ra giải pháp giảm thiểu tối đa vấn đề gây ô nhiễm và tiếp tục đồng bộ giải pháp xử lý rác thải. 

Rác thải là bài toán ngắn hạn thì không sao nhưng dài hạn rất nhiều rác thải. Trong số rác thải ấy cũng có những yếu tố độc hại đốt không hết phát tán ra môi trường xung quanh. Chúng ta cần đưa ra bài toán đánh giá một cách tổng thể việc dùng năng lượng hoá thạch thật sự rẻ nhưng so với tổng thể chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, sức khoẻ thì đắt hơn rất nhiều. Sau đấy, chúng ta có các bước xử lý năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. 

Thêm vào đó, về rác thải sử dụng được cần có cái nhìn tổng thể. Tôi đã đi các nhà máy bên Nhật, họ đã phân ra điện rác hữu cơ và điện rác vô cơ riêng nên ngay từ đầu cần có 2 dây chuyền khác nhau một cái về vật liệu, một dây chuyền về năng lượng.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Trong giới hạn nguồn cung năng lượng, theo ông Ngô Đức Lâm cần xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo thế nào cho phù hợp với Đề án Quy hoạch điện VIII?

Ông Ngô Đức Lâm: Thứ nhất, Quy hoạch điện VIII có 4 tập, 831 trang nhưng phần giải pháp quá ít. Trong khi đó, quy hoạch khác với định hướng, chính sách. Quy hoạch phải rất cụ thể, công nghệ ra sao, hiệu quả năng lượng ra sao, giá cả như thế nào... Nếu không có giải pháp thì tầm 2,3 năm nữa lại bắt đầu điều chỉnh lại kế hoạch. Ngay từ bây giờ phải thấy rõ cái đó để xử lý.

Thứ hai, hiện nay vẫn chưa nhất trí việc hiểu sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên sơ cấp trong nước (than, khí, năng lượng tái tạo…) khi sử dụng hợp lý rồi thì mới ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Giảm điện than nhưng phải có lộ trình và mức độ thì mới bảo đảm an ninh năng lượng. Năng lượng tái tạo cũng có mặt trái của nó. Bây giờ phải phù hợp với xu hướng thế giới, không chỉ có năng lượng tái tạo mà còn có khí hóa lỏng và khí hydro. Xu hướng thế giới thay đổi rất nhanh, xu hướng sắp tới có nhiều người chưa thỏa mãn tỷ lệ năng lượng tái tạo đến năm 2020 là trên 20.000 tấn, nên có sự xem xét giảm bớt nhiệt điện than cho phù hợp. Tuy nhiên, giảm nhiệt điện than phải có lộ trình, có mức; an sinh xã hội phải được đảm bảo. 

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị và các bạn!

Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển kinh tế bảo đảm an sinh xã hội, thì cần sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và sử dụng công nghệ thân thiện môi trường để sản xuất năng lượng. Từ đó hướng tới nền kinh tế sử dụng cacbon thấp, thay đổi mô hình sản xuất và sử dụng điện một cách bền vững; chuyển từ giai đoạn sử dụng kém hiệu quả nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Trong buổi tọa đàm hôm nay, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích và đề xuất các giải pháp để phát triển ngành năng lượng gắn liền với phát triển nền kinh tế đất nước. Đồng thời, tìm kiếm những nguồn năng lượng tái tạo nhằm phát triển bền vững, lâu dài.

Hy vọng những thông tin quý giá này có thể giúp cung cấp cho những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà đầu tư lựa chọn phù hợp thực hiện quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Một lần nữa, Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ảnh Duy Thông