Tinh thần của Hiến pháp là: tôn trọng và bảo đảm quyền công dân
Căn cước công dân có vai trò quan trọng trong hoạt động đời sống, tạo thuận lợi cho việc giao dịch, đi lại của người dân. Đối với Nhà nước, quản lý căn cước công dân là nội dung không thể xem nhẹ, góp phần giữ gìn và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quản lý dân cư. Theo Báo cáo của Bộ Công an, ngay từ khi thống nhất đất nước đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân như Quyết định số 143/CP ngày 9.8.1976 của Hội đồng Chính phủ về việc cấp giấy căn cước (giấy Chứng minh nhân dân) cho nhân dân trong cả nước, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3.2.1999 về Chứng minh nhân dân, Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19.11.2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân, Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17.9.2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 170/2007/NĐ-CP. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở để thực hiện quản lý căn cước công dân. Trên cơ sở đó, hệ thống cơ quan quản lý căn cước công dân đã hình thành trên cả nước với đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện; cơ sở dữ liệu Chứng minh nhân dân với hệ thống tàng thư căn cước công dân đồ sộ, đến nay đã đáp ứng yêu cầu cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân và yêu cầu nghiệp vụ của ngành công an. Tuy nhiên, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật cũng nêu rõ, thực tiễn triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân cũng đã phát sinh vướng mắc, bất cập. Các quy định còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành còn thấp, ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước đối với căn cước công dân.
Đề xuất của Bộ Công an, cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự án Luật, về việc ban hành một đạo luật về quản lý căn cước công dân thay vì các Nghị định của Chính phủ như hiện nay đã nhận được sự đồng thuận của các đại biểu tham dự Phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Bởi lẽ, cùng với việc đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, tôn trọng và bảo đảm tối đa quyền con người, quyền công dân, trong Hiến pháp (sửa đổi) QH vừa thông qua cuối năm 2013 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 đã đưa ra một quan điểm, một tuyên ngôn hết sức quan trọng: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật... Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường, tuyên ngôn này đã thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Hiến pháp trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong khi đó, căn cước công dân, theo định nghĩa được đưa ra trong dự thảo Luật là các thông tin cơ bản về đặc điểm nhận dạng của công dân theo quy định của luật này để xác định chính xác một người cụ thể và phân biệt người này với người khác liên quan trực tiếp đến quyền đi lại, thực hiện các giao dịch trong đời sống, quyền được bảo vệ và tôn trọng bí mật đời tư... của người dân. Đây là những quyền tự nhiên sẵn có và cơ bản của con người. Vì thế, trình QH ban hành một đạo luật về căn cước công dân là phù hợp với Hiến pháp, đồng thời cũng góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động quản lý căn cước công dân thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý thống nhất và hiệu lực pháp lý cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH, quản lý dân cư trong tình hình mới...
Mục tiêu là vừa bảo đảm tối đa sự thuận tiện cho người dân vừa bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nêu rõ: ban hành Luật Căn cước công dân nhằm cụ thể hóa một bước quyền tự do đi lại, giao dịch của công dân, với mục tiêu quan trọng là, khi Luật này có hiệu lực sẽ hạn chế thấp nhất sự phiền hà đối với người dân trong giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm thực hiện được quyền và nghĩa vụ của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Ngay từ nguyên tắc quản lý căn cước công dân trong dự thảo Luật cũng đã thể hiện rõ tinh thần này. Theo đó, việc quản lý căn cước công dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư, quyền sử dụng giấy tờ về căn cước công dân trong giao dịch, đi lại, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch, không phiền hà trong giải quyết thủ tục về căn cước công dân; bảo đảm thu thập, cập nhật kịp thời, quản lý chặt chẽ, an toàn thông tin và lưu trữ lâu dài... Các thông tin về căn cước công dân có ý nghĩa quan trọng, phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và yêu cầu giao dịch của cơ quan, tổ chức, công dân nhưng đặc điểm của các thông tin này là gắn liền với bí mật đời tư cá nhân. Vì thế, một trong những yêu cầu của Luật Căn cước công dân là phải bảo đảm an toàn cho các thông tin cá nhân của công dân. Nếu không quy định chặt chẽ việc thu thập, cập nhật, quản lý khai thác các thông tin này; cũng như các hành vi bị nghiêm cấm kèm theo đó là chế tài xử phạt phù hợp sẽ tạo kẽ hở cho những kẻ xấu thâm nhập trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người khác và sử dụng các thông tin này trái với mong muốn của họ, nhất là trong thời đại thông tin ngày nay, khi vấn đề bảo mật thông tin đã và đang trở thành thách thức lớn của Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới. Nêu rõ, các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật Căn cước công dân cần khắc phục cho được khoảng trống pháp lý này thì mới có thể bảo đảm được quyền, lợi ích chính đáng của công dân khỏi nguy cơ bị xâm phạm.
Liên quan đến giấy chứng minh nhân dân, một loại giấy tờ tùy thân chứng nhận căn cước của công dân phục vụ giao dịch, đi lại. Các đại biểu cho rằng vừa qua, kỹ thuật, công nghệ cấp, quản lý Chứng minh nhân dân còn lạc hậu đã dẫn đến tình trạng làm giả Chứng minh nhân dân để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp hoặc thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của công dân cũng như trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý căn cước công dân; đồng thời, cũng chưa quy định chặt chẽ các hành vi bị nghiêm cấm. Đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và quy định khá đầy đủ các nội dung này, song Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn cũng nêu một thực tế, hiện nay, mỗi công dân có khoảng 20 loại giấy tờ thủ tục hành chính khác nhau. Việc cấp số định danh cá nhân, làm giấy chứng minh nhân dân... như quy định của dự thảo Luật có giảm bớt được giấy tờ và tạo thuận lợi hơn cho người dân hay không? Ở góc độ khác, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã đề ra một số quy định mới liên quan đến các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động quản lý căn cước công dân. Vấn đề đặt ra là, nếu những đề xuất này được thông qua thì bộ máy đang làm nhiệm vụ quản lý căn cước công dân hiện nay có bị phình ra hay không? Ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực này có bị tăng lên hay không và nếu tăng thì con số là bao nhiêu?...
Dự thảo Luật Căn cước công dân dự kiến sẽ trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Còn khá nhiều nội dung cụ thể sẽ tiếp tục được Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, và UBTVQH cho ý kiến, hoàn thiện trước khi trình QH. Tuy nhiên, một yêu cầu hết sức quan trọng được các đại biểu nhấn mạnh tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật này là, việc ban hành luật cần hướng tới mục tiêu cân bằng giữa tính hiệu quả quản lý của Nhà nước với việc bảo đảm tối ưu quyền và lợi ích chính đáng của công dân theo đúng tinh thần Hiến pháp mới: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Căn cước công dân là một trong những quyền ấy.