Triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm

- Thứ Năm, 16/02/2023, 16:20 - Chia sẻ

Ngày 16.2, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30.11.2022 (Nghị định 99) của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã triển khai chuyên đề của Bộ Tư pháp về một số nội dung mới, cơ bản trong quy định của Nghị định 99 và công tác triển khai thi hành Nghị định.

Triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm -0
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Thanh

Theo đó, Nghị định 99 gồm 5 chương và 58 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2023, thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định 102). So với Nghị định 102, Nghị định 99 bổ sung mới 12 điều, bãi bỏ 9 điều, kế thừa theo hướng sửa đổi nội dung và kỹ thuật văn bản của 61 điều; bên cạnh đó, bổ sung Phụ lục về các biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm.

Mục tiêu của Nghị định 99 nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, đồng thời, nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến Nghị định số 99/2022 như: Tác động của nghị định đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại tổ chức tín dụng; một số nội dung mới, cơ bản về đăng ký biện pháp bảo đảm và công tác triển khai thi hành; triển khai một số quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất... nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng về đăng ký biện pháp bảo đảm và nắm vững những quy định mới của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm để triển khai, thực hiện đúng, đủ, hiệu quả, hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các địa phương.

Cụ thể, liên quan đến hồ sơ đăng ký đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn với đất ( từ Điều 27 đến Điều 34), đại diện phòng đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nghị định đã sửa đổi, bổ sung và quy định rõ ràng hơn đối với thành phần hồ sơ thực hiện đăng ký đăng ký cho các trường hợp cụ thể như: đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu, đăng ký đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất; đăng ký đối với nhà ở hình thành trong tương lai, tài sản khác gắn với đất hình thành trong tương lai không thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; xóa đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm...

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: về cơ bản Nghị định 99 vẫn giữ một số nội dung của Nghị định 102, đồng thời, bổ sung một số nội dung mới để phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19.3.2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, các bộ, ngành chức năng và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng nắm bắt các nội dung, phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị định; ghi nhận và phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để tiếp tục tập huấn, đào tạo.

Tin và ảnh: Hải Thanh
#