![]() Bình hương bằng đá cổ tại chùa Càn Nguyên |
Nghi lễ yên vị tượng được thực hiện giản dị và trang nghiêm. Ông Nguyễn Văn Định, thành viên BQL di tích Dương Lôi, thành viên Ban hộ tự chùa Càn Nguyên cho biết: tượng Thiền sư Định Không nặng chừng 1 tấn, được tạc bằng đá, do thợ ở Ninh Vân, Ninh Bình thực hiện. Mẫu tượng do các nhà sư ở Thiền viện Sùng Phúc, Long Biên cung cấp. Pho tượng Thiền sư Định Không do 4 gia đình trong khu dân cư Dương Lôi cung tiến. Theo sách Thiền uyển tập anh thời Trần, Thiền sư Định Không (? - 808) họ Nguyễn, người hương Dịch Bảng là tổ thứ 8 thiền phái Tỳ ni đa lưu chi. Sư là người am hiểu thế số, hành động đúng pháp tắc, được người trong làng tôn thờ, gọi là trưởng lão. Về già, Sư đến Pháp hội của Nam Dương ở Long Tuyền nghe giảng, hiểu được ý chỉ, do đó sư phát tâm theo Phật. Trong khoảng Đường Trinh Nguyên (785 - 804), Sư lập chùa Quỳnh Lâm ở làng mình. Khi mới đào đất đắp nền, gặp một lư hương và 10 cái khánh, sư sai người đem xuống sông rửa. Một cái lặn mất đi, đến đáy sông mới dừng. Sư giải thích rằng: chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ, chữ thủy, chữ khứ hợp thành chữ pháp, chữ thổ chỉ chỗ ta ở, chỉ đất đai làng này. Nhân đó, Sư đổi tên làng thành Cổ Pháp (tên cũ là Diên Uẩn), và có bài tụng rằng: “Đất bày pháp khí; Một món đồ ròng; Để Phật pháp được hưng long; Đặt tên làng là Cổ Pháp”. Sư lại nói: “Hiện ra pháp khí; Mười hai chuông đồng; Họ Lý làm vua; Ba phẩm thành công”… Cho đến khi viên tịch, sư dặn đệ tử phải tìm bằng được người họ Đinh mới trao truyền pháp môn. Quả nhiên sau đó thiền sư Đinh La Quý An kế nghiệp mới gìn giữ được pháp môn và trấn yểm được long mạch, khởi thủy cho nhà Lý.
![]() Quang cảnh Lễ tổ chức yên vị tượng thiền sư Định Không |
Chiếc bình hương đá cổ có ba chữ Quỳnh Lâm tự được tìm thấy tại khu đất nhà anh Nguyễn Hữu Bình, liền khu đất chùa Càn Nguyên. Theo ông Nguyễn Văn Chừng, thành viên BQL di tích Dương Lôi: “đất nhà anh Bình trước đây thuộc khuôn viên chùa Càn Nguyên”. Hương Dịch Bảng xưa rất rộng, bao gồm cả đất làng Dương Lôi và Đình Bảng ngày nay. Hiện tại, vì không có đủ kinh phí nên dân làng Dương Lôi và công đức thập phương mới chỉ đủ dựng tạm lại ngôi chùa để thờ Phật, thiền sư Định Không. Đại Đức Thích Thiện Bản, Thiền viện Sùng Phúc thường xuyên đi lại giúp đỡ nhân dân Dương Lôi xây dựng chùa. Ông lấy làm tiếc vì nơi phát tích nhà Lý chưa được trang nghiêm tố hảo, xứng với vị thế xưa.
Về việc đổi tên chùa Quỳnh Lâm thành Càn Nguyên, theo ông Nguyễn Hữu Chừng: “khi vua Lý Thái Tổ đăng quang có về thăm quê mẹ. Để ghi nhớ công lao thân mẫu, vua cho xây dựng lại chùa Quỳnh Lâm và đổi tên thành chùa Càn Nguyên. Như vậy, ngôi chùa này đóng vai trò rất quan trọng, vì chỉ nơi cung điện vua thiết triều mới được đặt là Càn Nguyên”.
Bên cạnh chùa Càn Nguyên, Dương Lôi còn có chùa Cha Lư. Chuông chùa Cha Lư (tên cũ là Minh Châu) nằm bên cạnh đình Sấm do cử nhân Trần Lai Phủ soạn năm 1828, có đoạn viết: “Dương Lôi là ấp thang mộc Lý triều, từ xa xưa đã có chùa Cha Lư và chùa Càn Nguyên, cả hai chùa đều có bia, vào các năm Bính Ngọ triều Lý đều bị thất lạc...”. Tính theo lịch thì có ba năm Bính Tý vào triều Lý là các năm: 1066, 1126, 1186. Điều này càng khẳng định chùa Cha Lư và Càn Nguyên có lịch sử từ đầu triều Lý.
Nhắc đến Dương Lôi, nhiều nhà khoa học đều biết đến ngôi đình Sấm - thờ 8 vị vua Lý làm thành hoàng. Các đạo sắc phong còn lại thời Nguyễn đều ghi rất rõ vị hiệu của các vị vua triều Lý được tôn thờ làm thành hoàng tại đình.