Thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Bình Khóa XVII

Tiếp tục chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh

- Thứ Bảy, 17/07/2021, 05:43 - Chia sẻ
6 tháng đầu năm, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Những tháng còn lại của năm 2021, nhiệm vụ sẽ rất nặng nề. Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khóa XVII vừa được tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều giải pháp để tỉnh tiếp tục chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm.
Các đại biểu thảo luận tại tổ
Ảnh: Khánh Duy

Chủ động tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Văn Thể, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, song UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực ấy được thể hiện rõ nét qua kết quả được báo cáo tại kỳ họp với tổng sản phẩm (GRDP) tăng 4,92% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất từng bước được phục hồi, đạt mức tăng trưởng khá và đồng đều ở các lĩnh vực. Dù vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành vẫn phục hồi chậm, chưa lấy lại quy mô trước khi có dịch, nhất là một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp như: Dệt may, sản xuất kim loại… Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư còn gặp khó khăn, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại…

Để cải thiện tình trạng trên, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Lê Văn Thể đề nghị, tỉnh cần tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; quyết liệt chỉ đạo thực hiện GPMB, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Trong đó, phải dồn lực để triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình. Đồng thời, tập trung thực hiện Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái để sớm thu hút nhà đầu tư thứ cấp… 

Đề cập đến công tác cải cách hành chính, đại biểu Đỗ Thị Lý đánh giá: 6 tháng đầu năm, công tác cải cách hành chính được tỉnh quan tâm triển khai. Các hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính tại một số địa phương vẫn chưa đạt yêu cầu; việc thực hiện các thủ tục hành chính một số nơi còn chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai; triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế... Vì vậy, trong thời gian tới, phải rà soát, xác định cụ thể các bất cập, vướng mắc để đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Ưu tiên chủng ngừa Covid-19 cho công nhân 

Tại các phiên thảo luận tổ và toàn thể, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được các đại biểu hết sức quan tâm. Nhiều đại biểu đánh giá cao các giải pháp quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn diễn biến dịch đã được chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai trong thời gian qua. Dù vậy, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại bởi tình trạng lơ là, chủ quan đang xuất hiện trở lại ở một vài địa phương, doanh nghiệp. 

Đại biểu Phạm Thị Như Phong đánh giá, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, tỉnh sẽ phải tập trung cao độ, thực hiện hiệu quả các biện pháp, phòng chống dịch bệnh, nhất là đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, đặc biệt tại các khu cụm công nghiệp, các cơ sở kinh doanh. Chủ động các phương án, kịch bản kịp thời ứng phó với tình huống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. “5K+vaccine”; kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Đại biểu Bùi Xuân Vinh thì nhấn mạnh đến vai trò của công tác kiểm soát nguồn lây. Với kinh nghiệm từ những đợt phòng, chống dịch trước đây, tỉnh cần đẩy mạnh công tác giám sát của người dân, giám sát cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong doanh nghiệp. Theo đại biểu, từ thực tiễn phòng chống dịch thời gian qua, phương châm “4 tại chỗ” trong doanh nghiệp quy mô lớn, lên đến hàng nghìn lao động rất khó thực hiện. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài, kiểm soát người lao động không để bùng phát là yêu cầu quan trọng. Đại biểu cũng đề nghị, cần đưa công nhân tại khu công nghiệp là nhóm ưu tiên được tiêm vaccnie phòng chống covid-19.

Chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của các đại biểu trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Bích Hằng cho biết: Để tiếp tục chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh đã tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; bổ khuyết kịch bản đáp ứng với tình huống của dịch bệnh Covid-19 để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; thực hiện nghiêm công tác giám sát, quản lý, cách ly các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Kiểm soát chặt các nguồn lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài, thực hiện cách ly chặt chẽ đối tượng nhập cảnh, người trở về từ vùng dịch; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các doanh nghiệp vận tải... Kiên quyết xử lý nghiêm, đóng cửa các đơn vị không chấp hành quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, triển khai sớm chiến dịch tiêm vaccnie phòng Covid-19 trên địa bàn bảo đảm an toàn, đạt tỷ lệ cao.

Khánh Duy