Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

- Thứ Ba, 20/10/2020, 20:02 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười, chiều 20.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đề xuất 3 Chương trình mục tiêu quốc gia 2021-2025

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và về đích trước một năm mục tiêu Quốc hội giao. Đến hết tháng 8.2020, có 5.350 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60,23%), tăng 3.818 xã so với cuối năm 2015 và vượt 10,23% so với mục tiêu 5 năm; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội giao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

Định hướng xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ xác định phải đáp ứng các nguyên tắc, chứa đựng những vấn đề có tính cấp bách, liên ngành, liên vùng, có tính lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của chương trình phải cụ thể rõ ràng, đo lường được, không trùng lặp với mục tiêu, đối tượng, phạm vi đầu tư của các chương trình khác. Chương trình có thời gian thực hiện trong 5 năm hoặc phân kỳ thực hiện cho từng giai đoạn 5 năm. Bảo đảm giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện và bảo đảm được mục tiêu phát triển bền vững, có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất 3 chương trình, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều mục tiêu đã hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt kết quả cao

Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, cho biết, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được quy định trong Nghị quyết 100. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tổ chức thực hiện, làm thay đổi sâu sắc nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về cơ cấu lại và đổi mới sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo bền vững. Qua 5 năm thực hiện, nhiều mục tiêu tổng thể của Nghị quyết 100 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt kết quả cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

Về kết quả huy động nguồn lực, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tổng nguồn lực huy động thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng 2.965.199 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN chiếm 21,3% là một thành công lớn trong huy động nguồn lực để thực hiện với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực bố trí vốn NSNN theo Nghị quyết 100, tăng nguồn lực đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt, các tỉnh, thành phố đã dành nguồn vốn từ NSĐP bố trí vượt so với kế hoạch đề ra.

Về các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho hai chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là cần thiết để tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn trước, cải thiện hơn nữa đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách, địa bàn thực hiện giữa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 2 Chương trình sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định, tính toán lồng ghép ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư, tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót đối tượng thụ hưởng.

Trung Thành