Tiếp tục minh chứng cho quyết tâm hành động, đổi mới và cống hiến

- Thứ Sáu, 05/11/2021, 06:36 - Chia sẻ
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo các đại biểu, đây là cách triển khai bài bản, khoa học và huy động được nhiều thành phần, tổ chức, nhiều cấp cùng tham gia, giúp các chuyên đề giám sát được thực hiện nghiêm túc, bài bản, thực chất.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh TRẦN ĐÌNH GIA: Bài bản, thực chất

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để thống nhất nhận thức và phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cách triển khai bài bản, khoa học và huy động được nhiều thành phần, tổ chức, nhiều cấp cùng tham gia (các tổ chức chính trị xã hội, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị…). Cùng với đó, huy động được Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố cùng tham gia để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát… Với cách làm này, chắc chắn các chuyên đề giám sát sẽ được thực hiện nghiêm túc, bài bản, thực chất như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Giám sát phải hiệu lực, hiệu quả. Muốn vậy, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát”…

Tôi đánh giá cao các kế hoạch chi tiết và sáng kiến tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát. Các chuyên đề giám sát lần này do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, quyết định đều rất đúng, trúng và hết sức quan trọng. Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu đã đi thẳng vào nội dung và có nhiều kiến nghị, đề xuất rất xác đáng để chúng ta tiếp tục hoàn thiện, tổ chức giám sát đạt hiệu quả cao nhất. 

Ảnh: Trần Tâm
Ảnh: Trần Tâm

ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC (Hòa Bình): Tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động, đổi mới

Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên để triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xác định giám sát là nhiệm vụ rất quan trọng của Quốc hội, thực hiện tốt hoạt động giám sát chính là góp phần để Quốc hội Khóa XV nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, những vấn đề “nóng” được Nhân dân quan tâm muốn thông qua người đại diện của mình để giám sát. Việc triển khai sớm, kịp thời Chương trình giám sát năm 2022 đã tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động, đổi mới trong hoạt động điều hành của Quốc hội Khóa XV, nhằm thống nhất về nhận thức và hành động từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm công tác giám sát được thực hiện hiệu quả; tránh chồng chéo giữa các cơ quan trong triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao sự chủ động, chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các nội dung và triệu tập đông đủ các thành phần tham dự; đại diện các bộ, ngành liên quan đã thể hiện công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, hội nghị cũng cung cấp cho đại biểu clip (thay báo cáo) để giới thiệu về việc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021, các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình giám sát năm 2022. 

Rất nhiều ý kiến của các ĐBQH, đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương đã góp ý để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát. Những phân tích đánh giá cũng như kiến nghị của đại biểu dự hội nghị rất trách nhiệm, tâm huyết để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt chức năng giám sát, tạo niềm tin trong nhân dân, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Quốc hội.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 đã tạo điều kiện để ĐBQH, các Đoàn ĐBQH chuẩn bị tốt các phương án thực hiện hiệu quả Chương trình giám sát năm 2022. Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, tôi tin tưởng công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và cả nhiệm kỳ Khóa XV sẽ đạt hiệu quả, hiệu lực cao.

Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh LÊ HỒNG HẠNH: Sợi dây gắn kết giữa đại biểu dân cử các cấp thêm bền chặt

Trong thời gian giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ Hai, ngay sau Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tinh thần làm việc không ngơi nghỉ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là của người đứng đầu đã tiếp tục minh chứng cho quyết tâm trở thành một Quốc hội hành động, đổi mới và cống hiến, là hình mẫu để HĐND các địa phương học tập.

Ở góc độ cơ quan dân cử địa phương, tôi đặc biệt quan tâm đến nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phần kết luận Hội nghị, cụ thể là "Đoàn ĐBQH và HĐND phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong giám sát". Bởi, trong hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát chuyên đề, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH với HĐND, giữa ĐBQH với HĐND sẽ là sợi dây bền chặt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này.

Thực tiễn cho thấy, có khá nhiều chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi triển khai về các địa phương, các đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả, góp phần tích cực giúp Quốc hội thực hiện tốt vai trò giám sát tối cao của mình, bảo đảm xuyên suốt từ trên xuống và từ dưới lên. Như chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em là một minh chứng điển hình. Để phát huy vai trò đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở địa phương, bên cạnh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mời đại biểu Quốc hội, HĐND nơi địa phương được giám sát tham gia Đoàn; đối với HĐND, khi giám sát có thể mời các ĐBQH ứng cử tại địa phương đó tham gia, để đại biểu nắm đầy đủ thông tin ở nơi mình ứng cử. Từ đó, thắt chặt thêm sợi dây gắn kết giữa đại biểu dân cử các cấp, góp phần nâng cao chất lượng giám sát nói riêng và chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử nói chung, niềm tin của cử tri và Nhân dân vào cơ quan đại diện của dân ngày càng bền chặt.

D. ANH - T. TÂM . P. NGUYÊN ghi