Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính

- Thứ Hai, 17/05/2021, 05:01 - Chia sẻ
Trải nghiệm của doanh nghiệp liên quan đến quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh cho thấy: Nhóm thủ tục này đã yêu cầu quá nhiều thành phần hồ sơ, khiến doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian thu thập, chuẩn bị, đặc biệt là các chứng chỉ, giấy phép “con”.

Với tổng chi phí thực tế trung bình các doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện là 6,88 triệu đồng/thủ tục hành chính, Bình Định được ghi nhận là địa phương có chi phí tuân thủ pháp luật thấp nhất cả nước với 1,17 triệu đồng/thủ tục hành chính. Mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra bình quân 149,4 giờ để thực hiện các thủ tục liên quan. Nam Định là nơi có thực tiễn tốt nhất về chỉ số thành phần thời gian thực hiện nhóm thủ tục hành chính giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh với trung bình là 14,2 giờ.

Trong số các bước thực hiện các thủ tục hành chính này, khâu chuẩn bị hồ sơ là bước mất nhiều thời gian nhất, chiếm đến 92,7% tổng thời gian thực hiện. Theo đó, trong 149,4 giờ của doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp dành đến 138,9 giờ cho bước này. Thời gian chuẩn bị hồ sơ thường bao gồm thời gian tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và thu thập các loại giấy tờ theo yêu cầu.

Cắt giảm thủ tục hành chính - cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Đáng quan tâm, tỷ lệ sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong nhóm thủ tục này khá cao với khoảng 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết: đã phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Theo đó, những doanh nghiệp này thường mất trung bình 7,3 giờ, tối đa mất hơn 4 ngày làm việc cho việc sửa đổi bổ sung hồ sơ (bao gồm cả việc nhận thông báo chỉnh  sửa và nộp lại hồ sơ). Phần lớn doanh nghiệp chỉ phải sửa đổi bổ sung hồ sơ từ 2 lần trở xuống, cá biệt có trường hợp phải sửa hồ sơ 4 lần.

Mặc dù, việc nộp hồ sơ và nhận kết quả đều chỉ chiếm 2% tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trên. Tuy nhiên, Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) cho thấy: hầu hết các doanh nghiệp vẫn thực hiện việc nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp. Chỉ có khoảng 1% trong tổng số các thường hợp khảo sát thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Tuy nhiên, với các trường hợp này, kết quả vẫn được nhận trực tiếp tại cơ quan nhà nước hoặc gửi qua bưu điện.

Từ trải nghiệm của doanh nghiệp cho thấy, còn dư địa cải cách trong nhóm thủ tục hành chính giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc điện tử hóa các thủ tục hành chính nhóm này, giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Hiện nay chưa có nhiều địa phương áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong Nhóm thủ tục hành chính Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Cho tới thời điểm hiện tại, thủ tục hành chính áp dụng điện tử hóa mạnh nhất trong nhóm thủ tục hành chính này là thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhưng cũng chỉ có khoảng 12 tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ trực tuyến với thủ tục này. Tại những địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, việc duy trì những thủ tục này cũng gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật như sự tương thích hệ thống.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan (công an, y tế, công thương...) cần rà soát các thành phần hồ sơ, cắt giảm các thành phần hồ sơ không thực sự cần thiết nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, nghiên cứu việc bỏ yêu cầu bắt buộc người lao động tham gia lớp học để được cấp các giấy chứng nhận chuyên ngành, thay vào đó công khai giáo trình để chủ doanh nghiệp bố trí cho người lao động học tập trong giờ làm việc và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ thực hiện các đợt kiểm tra kiến thức và cấp chứng chỉ.

Phạm Hải