Triển khai gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Tiếp sức người lao động

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 06:33 - Chia sẻ
Chỉ trong thời gian ngắn, đã có nhiều địa phương triển khai thực hiện, người lao động đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được ban hành ngày 24.9.2021 và Quyết định 28/2021 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid -19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền 38.000 tỷ đồng (gói 38 nghìn tỷ đồng) ban hành ngày 1.10.2021.
Người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tới tài khoản
Nguồn: ITN

Thủ tục nhanh, hỗ trợ nhận liền tay

Gắn bó với công ty 22 năm nhưng có lẽ ảnh hưởng đại dịch Covid-19 với anh Nguyễn Minh Thắng - công nhân Khu chuyền Đại Phong (Tổng Công ty May 10) là giai đoạn đáng nhớ nhất. Do ảnh hưởng của dịch, anh cùng hơn 1.000 người lao động trong công ty tạm thời phải nghỉ việc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc anh tạm thời bị giảm thu nhập. Đang lúc lo lắng về khoản thu nhập hàng tháng bị giảm, anh mừng rỡ khi nhận được khoản tiền hỗ trợ từ gói 38 nghìn tỷ. Số tiền hỗ trợ so với thu nhập hàng tháng trước kia chưa bằng ½ thế nhưng với anh đây là động lực rất lớn. “Thực sự khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn mới cảm nhận thấy sự hỗ trợ này từ Nhà nước là rất ý nghĩa. Nó không chỉ giúp tôi vơi đi nỗi lo về chi phí sinh hoạt trước mắt mà còn giúp tôi có thêm lòng tin vào chính sách nhân văn của Nhà nước” - anh Thắng xúc động chia sẻ.

Thực tế, anh Thắng là một trong số hơn 1.000 lao động làm việc tại Tổng công ty May 10 nhận được hỗ trợ từ gói 38 nghìn tỷ đồng. Theo thống kê, Tổng Công ty có tổng số 1.876 cán bộ, công nhân tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong số đó, có 282 người đang nghỉ chế độ và 1.593 người thuộc diện được hỗ trợ. Ngay lập tức số tiền đã được giải ngân ngay cho người lao động qua tài khoản trong tuần đầu tiên triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP.

Cùng chung niềm vui khi nhận được tiền hỗ trợ từ Nghị quyết số 116/NQ-CP, chị Nguyễn Thị Phương Nga - nhân viên kế toán Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Nguyên Đức (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) đã không giấu được ngạc nhiên khi chỉ trong thời gian ngắn chị và những người lao động trong công ty đã nhận được tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. “Tôi là kế toán tại công ty, khi biết thông tin về gói hỗ trợ tôi đã rà soát và đối chiếu lên danh sách và gửi đi. Thật không ngờ 2 ngày sau tất cả mọi người trong công ty đều được nhận hỗ trợ. Trong lúc khó khăn, công việc bị ảnh hưởng thu nhập không có nên sự hỗ trợ này rất kịp thời và ý nghĩa với những lao động như chúng tôi”.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có 6.857 đơn vị sử dụng lao động với 148.635 người lao động được hỗ trợ giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền tương ứng 85 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ người lao động. Tính đến thời điểm ngày 30.9, toàn tỉnh dự kiến có 148.635 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại 6.857 đơn vị, với số tiền dự kiến chi hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 379 tỷ đồng. Cũng theo dự kiến, có 50.000 người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1.12020 đến hết ngày 30.9.2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật, với số tiền dự kiến chi hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 127,5 tỷ đồng.

Từ ngày 1.10, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ dựa trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, dao động trong khoảng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người. 

Bảo đảm lưới an sinh cho người yếu thế

Như vậy, có thể thấy với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp chính quyền, đến nay sau thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP thực sự đi vào đời sống, tạo động lực hỗ trợ người lao động cũng như doanh nghiệp. Đánh giá hiệu ứng từ chính sách hỗ trợ của gói 38 nghìn tỷ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương khẳng định, nguồn vốn từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực tới việc gia tăng tiêu dùng của dân cư, kích thích vào tổng cầu đang yếu, khi đó phía cung sẽ được thúc đẩy, tăng sản lượng sản xuất. Mặt khác, một phần gói hỗ trợ này cũng được chi cho người sử dụng lao động để giải quyết những khó khăn trước mắt, chuẩn bị điều kiện để thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển chính sách TS. Nguyễn Quốc Việt cũng cho rằng, các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Thực tế đã cho thấy, hệ thống an sinh xã hội với các chính sách bảo hiểm, trợ cấp xã hội sẽ vẫn là một trong những công cụ hữu ích để bình ổn xã hội, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Do đó, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức, bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9.2021 cho thấy, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Trong đó, khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động, tỷ lệ này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%. Chính vì vậy, việc triển khai chính sách gắn với hỗ trợ an sinh cho người lao động, lao động yếu thế cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thái Yến