Theo TS. BÙI THỊ HIỀN LƯƠNG, phụ trách bộ môn bóng đá, Tổng cục Thể dục Thể thao, cựu đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam, đó là thành quả của sự đầu tư có tầm nhìn và chiến lược bài bản, kế thừa nền tảng mà nhiều thế hệ bóng đá nữ Việt Nam đã gây dựng.
- Nhìn lại thành tích của bóng đá Việt Nam năm 2022, chị thấy thế nào?
Cựu tuyển thủ quốc gia Bùi Thị Hiền Lương cùng đồng đội đoạt HCV SEA Games 21 năm 2001, HCV SEA Games 23 năm 2005 (trên cương vị trợ lý huấn luyện viên); 4 lần đoạt chức vô địch quốc gia trong màu áo CLB Hà Nội; đoạt danh hiệu Vua phá lưới với 8 bàn thắng ở Giải vô địch Quốc gia năm 1998, Cầu thủ xuất sắc nhất Giải vô địch Quốc gia năm 1999; được trao thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Sau khi giải nghệ, chị về làm việc ở Tổng cục Thể dục Thể thao.
______________
“Về mặt quản lý nhà nước, tôi có thể tự hào bấy lâu nay bóng đá là bộ môn thể thao được định hướng phát triển bình đẳng, khách quan nhất, từ chính sách đãi ngộ đến kế hoạch tập huấn cho các giải đấu, tạo điều kiện tối đa cho các đội tuyển phát triển, không phân biệt bóng đá nam, bóng đá nữ hay futsal. Bản thân đội tuyển nam rất tôn trọng đội tuyển nữ, đội tuyển nữ cũng tôn trọng đội tuyển nam, không có sự so bì. Đã có giai đoạn chúng ta lấy thành tích của bóng đá nữ làm thành tích của bóng đá Việt Nam, vì thành tích ở đấu trường quốc tế tốt hơn”.
TS. Bùi Thị Hiền Lương
2022 là năm khá thành công với bóng đá Việt Nam khi cả bóng đá nam và bóng đá nữ đều giành Huy chương Vàng tại SEA Games 31 trên sân nhà. Đặc biệt, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé dự vòng chung kết World Cup 2023. Tôi thực sự vui và tự hào khi thế hệ đàn em đã tiếp nối, khẳng định vị thế của bóng đá nữ Việt Nam trên trường quốc tế.
Khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành Huy chương Vàng SEA Games 31, báo chí thống kê đây là lần thứ 7 các cô gái Việt Nam thống trị Đại hội Thể thao Đông Nam Á, tôi mới giật mình. Con số 7 ấy nhắc tôi nhớ lại năm 1997 lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam bước ra trường quốc tế, bỡ ngỡ và choáng ngợp. Trước đó chúng tôi chưa từng được tiếp cận một giải đấu quốc tế, chưa quen với nghi thức thi đấu quốc tế. Nhìn giám sát trận đấu người Hong Kong mặt lạnh tanh mà các cầu thủ nắm tay nhau vẫn run.
SEA Games năm đó, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành Huy chương Đồng. Đấy là tấm huy chương của sự sợ sệt, tâm lý bị ngợp, chứ không phản ánh đúng trình độ chuyên môn. Bởi phải thừa nhận khi đó các cầu thủ Việt Nam đá hay nhưng không có kinh nghiệm thi đấu, chơi bóng với bản năng mà chưa có độ quái. Tuy nhiên, từ dấu mốc đó, qua các thế hệ, từng bước bóng đá nữ Việt Nam đã trưởng thành và đạt được nhiều thành công.
- Theo chị, những cơ sở làm nên thành công của bóng đá nữ Việt Nam là gì?
Tôi đã luôn có niềm tin chắc chắn rằng các tuyển thủ nữ Việt Nam sẽ vào vòng chung kết World Cup 2023. Niềm tin này là hoàn toàn có cơ sở. Trước hết phải khẳng định thành tích này là thành quả của sự đầu tư có tầm nhìn và chiến lược bài bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; kế thừa nền tảng, truyền thống mà nhiều thế hệ bóng đá nữ Việt Nam đã gây dựng. Trong bối cảnh đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam suốt từ SEA Games năm 2019 tại Philippines đến nay không có sự bứt phá, thì thành công ấy còn một phần đến từ may mắn, như bốc thăm được nhánh đấu tốt, hay gặp thời điểm tốt, trọng tài công tâm, hoặc được cổ vũ nhiệt tình của khán giả, tinh thần thi đấu lên cao... Tất nhiên không phủ nhận nỗ lực của các tuyển thủ, bởi nếu không tập luyện thì thần may mắn cũng chẳng giúp ích gì.
- Như chị vừa nói, có vẻ bóng đá nữ Việt Nam đang chững lại. Bằng chứng là Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á tháng 7.2022, Việt Nam chỉ đạt hạng 4. Liệu chúng ta có kịp điều chỉnh lực lượng cho World Cup 2023?
Thực ra thể thao luôn có sự vận động, tiếp diễn, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Như tại World Cup 2022 nhiều đội bóng mạnh trên thế giới thua tức tưởi các đội tuyển nhỏ. Đó là chuyện rất bình thường. Với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, các nhà chuyên môn đã nhận ra sự chững lại đó và đang cố gắng tìm cách khắc phục chứ không ngồi đợi may mắn. Bài toán đặt ra hiện nay là tuyển chọn và đào tạo cầu thủ trẻ để thay thế những mắt xích bị yếu, nhưng cái khó là không có nhiều lựa chọn vì ngày càng ít em theo nghiệp đá bóng.
- Chị kỳ vọng các cầu thủ nữ Việt Nam thể hiện như thế nào tại vòng chung kết World Cup 2023 vào tháng 7 - 8 tới tại New Zealand?
Khi đã có mặt ở sân chơi lớn nhất thế giới này, các cầu thủ Việt Nam phải thể hiện cho mọi người thấy chúng ta biết đá bóng, không tự ti hay sợ sệt như chúng tôi 25 năm trước. Tôi không quan tâm đến tỷ số, vì bảng đấu của Việt Nam toàn đối thủ khủng (có đương kim vô địch Mỹ và đương kim á quân Hà Lan - PV). Chúng ta không thể thay đổi kết quả bốc thăm nhưng có thể thay đổi bản thân mình, chứng minh tại sao Việt Nam vào được vòng chung kết World Cup, thông qua lối đá có chiến thuật, mảng miếng rõ nét. Chúng ta nếu thua thì đó không phải vì không biết đá bóng mà bởi lịch sử, sự đầu tư cho bóng đá nữ, thể hình, trình độ của cầu thủ...
- Xin cảm ơn chị!