Tiếng động Hà Nội

- Chủ Nhật, 20/06/2021, 05:25 - Chia sẻ
Trên gác nhà ai, vọng ra tiếng đàn dương cầm mới tập, gượng gạo lắm, nhưng đã dám thử bản "Für Elise" nổi tiếng của Beethoven…

Từ sáng đến tối, Hà Nội không ngừng chuyển động.

Đã quen nghe đủ thứ tiếng động Hà Nội, từ tiếng thì thầm của đôi bạn trẻ ôm nhau trong góc khuất, đến tiếng gào thét của một bệnh nhân tâm thần mới được bệnh viện trả về, tiếng nhạc cưới xin, hòa cùng tiếng kèn bi ai trong đám tang... Rồi hàng trăm thứ tiếng hỗn độn nghe như bản giao hưởng cuộc đời, có tiếng nghe du dương như vĩ cầm, có tiếng nghe thánh thót như piano chơi ở gam cao, có tiếng trầm lắng như contrabass đang chơi ở bè thấp, có tiếng như sáo Tây (Flute) cao hun hút, có tiếng ầm ầm của trống, xoang xoảng của chiêng... inh tai nhức óc. Nhưng cũng may còn tiếng xào xạc của lá, tiếng nở của sen, tiếng huyền ảo của mặt hồ... làm mọi sự chuyển động được hài hòa, cộng hưởng.

Ngõ Văn Hương, Tôn Đức Thắng... bắt đầu từ 2 giờ sáng, đã loáng thoáng nghe tiếng xe máy ì ạch chở đầy rau củ quả tỏa về các chợ đầu mối, tiếng động Hà Nội bắt đầu...

5 giờ, tiếng còi xe máy từ thưa thớt đến rộn rã...

6 giờ 30, một ngày mới thực sự bắt đầu với loa phát thanh của phường Hàng Bột: "Yêu cầu tất cả các cử tri của phường Hàng Bột đến đăng ký với ông Tạo, tổ trưởng tổ dân phố...".

Tiếng trẻ con ríu rít gọi nhau đi học, tiếng các bà mẹ mắng con sang sảng vì sợ chậm giờ tới trường. Tiếng ho sù sụ của một cụ ông nhà ở đầu ngõ xen lẫn tiếng kẽo cà kẽo kẹt của một gánh hàng đè nặng trên vai một chị đang trên đường đến chợ. Tiếng bát đĩa leng keng va chạm vào nhau của cô hàng phở đang chuẩn bị mở hàng buổi sáng, tiếng ai đổ nước ra đường, tiếng rót nước sôi vào phích của nhà chị Tâm bán nước, chồng chị - anh Thanh xe ôm rồ máy chiếc xe SYM lao thẳng ra phía đầu ngõ Tôn Đức Thắng. Tiếng gõ mõ và tiếng niệm kinh lầm rầm của các sư ở chùa Huy Văn trong lễ chầu buổi sáng.

8 giờ, tiếng xe máy rầm rộ như chiến binh ào ào ra trận, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng xe cứu thương rú lên một cách điên cuồng như không thể chờ được dù một giây, có thể phía trước, một cụ ông vừa đột quỵ.

Tiếng bà Giang bán đậu phụ luôn luôn xuất hiện đúng 8 giờ 30 :"Đậu phụ, đậu phụ...".

9 giờ 30, đúng rồi, giờ này, anh ta xuất hiện: “Bàn , quạt cháy máy bơm - Ti vi, tủ nạnh nồi cơm đầu giàn - Công tơ sắt thép nồng bàn - Dùng nâu đã hỏng thành hàng bán đê…" Đạp một chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ, đường sau buộc cái ắc qui với đôi loa đầy bụi nhưng phát ra tiếng rao kỳ khôi, nghe vừa tức, vừa vui tai...

Không chịu thua, chỉ trong tích tắc, tiếng rao: "Ai mua cóc đê, cóc nàm thuốc đê..." vang lên dõng dạc oai hùng... Rồi "Ép dẻo, ép dẻo, để bảo đảm tất cả các loại giấy tờ không bị mục nát, chúng tôi chuyên ép dẻo, ép plastic, công nghệ cao, ép chứng minh thư bằng lái, giấy khai sinh..." - Giọng nghe vững vàng, tự tin như được độc quyền nắm trong tay công nghệ ép dẻo hiện đại...

Nguồn: ITN

Không chịu lép vế: "Một công nghệ hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm keo dính chuột, không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, bắt hết chuột, chuột to, chuột nhỏ, chuột mẹ, chuột con, cả họ nhà chuột, bắt tất tần tật, đê...ê...".

10 giờ, lê cái thân mệt nhọc vào phòng vệ sinh, vẫn ngước xuống phố qua khung cửa sổ nhỏ để tìm chị, đây rồi, chị ve chai, hôm nay xuất hiện chậm hơn 3 phút, giọng chị bữa ni có vẻ hơi khàn, không được trong như mọi hôm: “Nhôm đồng sắt vụn bán đê...ê…”.

 Bước chân ra đầu phố, là nghe vô vàn âm thanh. Tiếng máy may rìn rịt, em như đang vội trả hàng của nhà cái Lịu. Tiếng chặt chân giò của cô hàng thịt, tiếng hát trong sân trường mẫu giáo: Ra vườn hoa em chơi, em không hái một bông hoa nào...". Tiếng rít thuốc lào của mấy chú thợ nề cùng tiếng sấy tóc rào rào của hai ba quán gội đầu liền kề.

Lướt qua mặt tôi, một chị vác theo một máy cân đo: "Rất hân hạnh được đón tiếp quý khách, rất hân hạnh được đón tiếp quý khách, hoan nghênh đo tầm cao, cân nặng, đo huyết áp, thử sức kéo...".

Trên gác nhà ai, vọng ra tiếng đàn dương cầm mới tập, gượng gạo lắm, nhưng đã dám thử bản "Für Elise" nổi tiếng của Beethoven. Bởi thế nên tiếng chó sủa ong ỏng tỏ ra khinh miệt, khiến thần kinh như muốn đứt...

Bà cụ già nhà bán đồ khô ngồi ngay trước cửa, gọng kính nghiêng nghiêng, cầm trên tay một cuốn kinh chép tay, nghe bà thành khẩn từng chữ, tôi biết đó là Kinh Dược Sư: "Nam mô Đông phương Giáo chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Nhật Quang Biến Chiếu Bồ tát...".

Tiếng quạt tay phành phạch cho lò than bún thịt nướng, tiếng cười nói chào nhau của các mợ hòa cùng tiếng trả giá với các em hàng rau, tiếng kéo cửa sắt, tiếng hát của gã thần kinh con ông Định...

Trưa, 13 giờ 15, tiếng võng kẽo kẹt, bà Hồng đang ru cháu ngủ: “Cái cò cái vạc cái nông. Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò..." Chà, nhớ quá tiếng ru của mẹ năm nào... Ngoài phố, tiếng rao bán chiếu, mài dao kéo không đủ che lấp giọng nam cao của một ông bán Tàu phù phá:" Tào phớ...ớ, ớ...".

16 giờ 00, tiếng leng keng báo hiệu đổ rác. Tiếng xe rác "hát" lên bài bảo vệ môi trường của Trọng Đài...

17 giờ 30, quán bia Thu Hằng văng vẳng giọng ca thấu trời của ca sĩ đường phố. Thương ôi, cho cái kiếp hát rong...

Đêm khuya, tôi mơ màng chuẩn bị đắm chìm trong giấc ngủ, bên tai còn vang vọng tiếng rao não lòng: “Ai xôi lạc, bánh khúc đê..ê”. Một trận mưa đêm ướt át tràn đến. Tiếng mưa, tiếng gió, làm phần phật tiếng mái tôn. Tiếng ai đó ngâm thơ ru con: “Con cò mà đi ăn đêm. Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Ông ơi ông vớt tôi nao! Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng...”. Ôi, thương cái thân cò, thân vạc vẫn lặn lội ngoài kia...

0 giờ, đêm, yên lặng, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa trăng, Hà Nội tạm giữ hơi cho một ngày ồn ào tiếp theo. Thần kinh vừa căng đến độ sắp đứt, bỗng được tạm chùng xuống...

Tùy bút của Phó Đức An