Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Thường Tín chú trọng xử lý chất thải làng nghề

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:37 - Chia sẻ
Là một trong những huyện có số lượng làng nghề lớn, những năm gần đây, huyện Thường Tín tập trung triển khai nhiều giải pháp hiệu quả thu gom rác thải và xử lý phần lớn nước thải từ các làng nghề. Vì vậy, môi trường nông thôn dần được cải thiện, kinh tế làng nghề phát triển đem lại thu nhập ngày càng cao cho người dân. Huyện đã được Đoàn thẩm định NTM Trung ương đánh giá đủ điều kiện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.

Phát triển kinh tế làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Theo báo cáo của UBND huyện, trên địa bàn hiện có 11 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 5 cụm công nghiệp làng nghề, gồm: Cụm công nghiệp làng nghề bông len, chăn ga gối đệm Tiền Phong; cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Duyên Thái; cụm công nghiệp làng nghề mộc Vạn Điểm; cụm công nghiệp làng nghề mây tre đan Ninh Sở; cụm công nghiệp làng nghề mộc, cơ khí Văn Tự. Các cụm công nghiệp có 126 doanh nghiệp, 343 hộ kinh doanh thuê đất, hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, huyện có 126 làng có nghề, trong đó được UBND thành phố công nhận 48 làng nghề truyền thống.

Những năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã đem lại giá trị kinh tế không nhỏ, đóng góp lớn vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Đặc biệt, toàn huyện hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp, hàng chục nghìn hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30.000 lao động. Tuy nhiên, kinh tế làng nghề phát triển mạnh mẽ cũng gây ra nhiều hệ lụy xấu đến môi trường nông thôn. Để bảo đảm mục tiêu “Phát triển kinh tế làng nghề gắn với bảo vệ môi trường”, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín đã tăng cường, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường các làng nghề.

Theo đó, huyện đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng xong 5 cụm công nghiệp làng nghề và di chuyển được trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư đến thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong tổng số 11 cụm công nghiệp đang hoạt động có 8 cụm đã có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, 1 cụm đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và 2 cụm có lượng nước thải nhỏ dưới 50m3 đều có hệ thống thu gom nước thải chung của cụm. Có 846/846 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong các cụm công nghiệp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết, kế hoạch và đề án bảo vệ môi trường, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường và xây dựng quy ước tại các làng nghề; đầu tư xây dựng hạ tầng về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải, cải tạo các ao hồ, nghĩa trang nhân dân, các điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh; quy hoạch, xây dựng các địa điểm tập kết, trung chuyển rác thải và thực hiện kịp thời công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải trong ngày tại các làng nghề, tỷ lệ đạt trên 98%; đồng thời, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn hoặc cưỡng chế giải tỏa chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề.

Thực tế, xã Vạn Điểm có hơn 1.600 hộ làm nghề, trong đó, 300 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề, số còn lại vẫn phải sản xuất, kinh doanh tại nhà. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khi chờ các khu công nghiệp làng nghề trên địa bàn huyện hoàn thành, đầu năm 2020, UBND xã đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề xã với kinh phí gần 100 triệu đồng. Phương án này tập trung quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh; quản lý chất thải, rác thải, nước thải, khí thải; đầu tư, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề. Bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất gỗ tại xã Vạn Điểm chia sẻ, gia đình bà đang sản xuất, kinh doanh tại nhà do khu công nghiệp làng nghề của xã hiện đã “phủ kín”. Theo sự chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp chính quyền, gia đình bà luôn thực hiện nghiêm các biện pháp khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường. 

Sản xuất đồ gỗ tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội  

Ảnh: Tường Vy 

Hướng đến đô thị làng nghề phát triển bền vững

Đến nay, huyện Thường Tín có 28/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Thường Tín đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đồng thời, tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường các làng nghề được các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện. Nhờ đó, tình hình ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cơ bản được khắc phục. Kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường các làng nghề đã góp phần để huyện và các xã hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn. Đến nay, huyện đã được Đoàn thẩm định NTM Trung ương đánh giá đủ điều kiện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.

Phát huy lợi thế của một huyện cửa ngõ Thủ đô, là “đất trăm nghề”, Thường Tín phấn đấu xây dựng huyện thành đô thị làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó, khai thác hiệu quả du lịch làng nghề gắn với truyền thống văn hóa đất khoa bảng. Để thực hiện được mục tiêu đó, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho biết, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, khôi phục sản phẩm làng nghề truyền thống đang bị mai một, huyện sẽ hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dân theo hướng thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm phát huy các thương hiệu sản phẩm đã có và xây dựng thương hiệu tập thể cho một số làng nghề; đồng thời, tập trung bảo tồn tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; triển khai đúng tiến độ các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Mặt khác, huyện tiếp tục tập trung các giải pháp bảo vệ môi trưởng, xử lý chất thải làng nghề. Tăng cường, tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh và huy động xã hội hóa cho hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung theo quy hoạch, các dự án cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn, huyện Thường Tín kiến nghị UBND thành phố, các sở, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại một số làng nghề có nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường, như: Làng nghề xương, sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình; làng nghề tiện xã Nhị Khê… hỗ trợ đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp làng nghề Ninh Sở, Tiền Phong; cải tạo, nâng cấp xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung liên kết cho cụm công nghiệp Duyên Thái gắn với làng nghề sơ mài Hạ Thái, xã Duyên Thái; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý rác thải làng nghề bông, len, chăn, ga, gối, đệm xã Tiền Phong. Bên cạnh đó, thành phố xem xét cho phép mỗi xã, thị trấn được tuyển dụng một cán bộ chuyên trách làm công tác môi trường nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường tại cấp xã, trong đó có môi trường tại các xã làng nghề.

Đào Cảnh