Sổ tay:

Thưởng tết thời Covid - Chia sẻ để vượt khó

- Thứ Sáu, 14/01/2022, 06:31 - Chia sẻ
Thưởng Tết đang là vấn đề nóng khi hàng nghìn công nhân ở một số công ty ngừng việc do mức tiền thưởng giảm. Bởi lẽ, sau một năm ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, không chỉ người lao động mà người sử dụng lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Những ngày gần đây, vụ việc hàng chục nghìn công nhân Công ty TNHH PouChen Việt Nam, Đồng Nai đã đình công vì tiền thưởng tết thấp đang gây xôn xao dư luận. Sau 4 ngày ngừng việc tập thể, với sự vào cuộc của các bên liên quan, 16.500 công nhân Pouchen đã chấp thuận trở lại làm việc và mức thưởng Tết không thay đổi như thông báo trước đó. 

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn NTB Legal cho biết Khoản 1, Điều 104, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động”. Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động trong tất cả trường hợp nên doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thưởng hoặc không thưởng Tết cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận trong hợp đồng lao động về thưởng Tết.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động để tiến hành thưởng tết cho người lao động thông qua các hình thức như thưởng tiền, các đồ vật có giá trị, các chuyến du lịch, vé tàu về quê… Song, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, các doanh nghiệp phải công khai các quy định về thưởng tại nơi làm việc và tham khảo ý kiến tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở về các nội dung liên quan đến thưởng Tết.

Trong trường hợp các doanh nghiệp không công khai khai các quy định về thưởng tại nơi làm việc sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 16, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, tiền thưởng tết của người lao động sẽ không được sử dụng làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 26, Điều 1, Thông tư số 06/2021/TT-BLDTBXH. Do đó, người lao động sẽ được hưởng toàn bộ tiền thưởng Tết đó mà không cần phải trừ đóng bảo hiểm xã hội.

Có thể thấy, sau một năm ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, không chỉ người lao động mà chính người sử dụng lao động cũng gặp khó khăn về tài chính. Điều đáng nói, do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nếu thưởng Tết vẫn tính trọn vẹn năm sẽ là thách thức lớn của doanh nghiệp, nhưng ngược lại nếu thưởng ít hơn sẽ gây khó khăn với người lao động. Do đó, đây là thời điểm mà doanh nghiệp và người lao động cần có sự “thấu hiểu và chia sẻ” để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, dịp Tết Nguyên đán 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-TLĐ về chăm lo thăm hỏi người lao động. Theo đó, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận mức chăm lo thăm hỏi là 300.000 đồng/người. Tổng số nguồn kinh phí dự kiến là 2.400 tỷ đồng.

Nguyễn Ngân