ĐB TRẦN HỒNG VIỆT (Hậu Giang): Việc miễn giảm thuế là không có cơ sở...
Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào người tiêu dùng, mà doanh nghiệp nộp thay cho người tiêu dùng thông qua việc bán sản phẩm của doanh nghiệp ấy. Nếu có thiên tai, dịch bệnh hoặc tai nạn xảy ra đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp không bán được hàng, hàng hóa của doanh nghiệp vẫn còn đó, thì làm gì có cơ sở để giảm, miễn thuế. Chỉ khi nào bán được hàng thì doanh nghiệp mới chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cho nên việc giảm, miễn thuế được quy định tại Điều 9 trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi thấy không có cơ sở.
ĐB NGUYỄN THỊ MỸ HƯƠNG (Đà Nẵng): Đã bỏ qua nhiều đối tượng chịu thuế
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế quan trọng đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Quan trọng hơn, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để góp phần điều tiết thu nhập và định hướng sản xuất, tiêu dùng trong xã hội. Chính vì vậy việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng.
Về mặt lý luận, để đưa ra được những chỉnh sửa, điều chỉnh phù hợp cho Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thì phải dựa trên nghiên cứu tổng thể về những thay đổi, đặc tính tiêu dùng trong dân cư, những thay đổi về thu nhập của các tầng lớp trong dân cư thì mới có điều chỉnh cho xác đáng.
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ cải thiện sự công bằng theo chiều dọc, những người có thu nhập thấp thì nộp thuế ít, những người có thu nhập cao thì nộp thuế nhiều. Tôi nhận thấy chúng ta đã bỏ qua rất nhiều đối tượng chịu thuế. Ví dụ, những sản phẩm chỉ dành cho những người có thu nhập cao như: mỹ phẩm, có những loại kem dưỡng da 100ml mà giá của nó có thể lên đến 20 triệu đồng, cũng chưa đưa vào đối tượng chịu thuế. Hay những sản phẩm khác như: pha lê, đá hoa cương, thảm len, dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ luật sư, dịch vụ làm đẹp cao cấp, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp... cũng chưa được đưa vào đối tượng chịu thuế. Trong khi đó đối với mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ, không còn là một sản phẩm cao cấp dành cho những người có thu nhập cao- thì lại đưa vào đối tượng chịu thuế.
Về căn cứ tính thuế đối với vỏ bia, tôi đồng ý với Ban soạn thảo là không được trừ vỏ lon bia ra khỏi căn cứ tính thuế. Một số ĐB nêu: có thể uống bia trong một thau hay một cái chậu cũng được, và lý giải là cái người tiêu dùng mua là nước bia chứ không phải là vỏ bia. Tôi cho rằng cách lập luận như vậy không có căn cứ, không phù hợp. Vì người uống bia không có ai uống bằng thau, chậu được; có nghĩa là khi người tiêu dùng mua lon bia đó là mua giá trị vô hình, thông qua vỏ lon; người ta mua lon bia là mua giá trị thương hiệu thông qua vỏ lon bia. Tôi đề nghị không được trừ vỏ lon bia ra khỏi đối tượng chịu thuế. Ở đây, tôi muốn nói rằng chúng ta phải xác định rõ chúng ta đứng trên lợi ích của ai để xây dựng luật thuế. Tôi đề nghị nên đứng trên mối quan hệ tổng hòa của toàn xã hội chứ không phải lợi ích của nhà sản xuất.
ĐB NGUYỄN VĂN BÌNH (TP Hải Phòng): Cần quy định thống nhất giá tính thuế
Có nhiều nội dung trong dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) quy định chưa rõ ràng, có thể gây ra cách hiểu khác nhau. Nên quy định theo hướng càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt.
Theo tôi, cần áp dụng thống nhất quy định giá tính thuế đối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Giá tính thuế bao gồm cả giá trị bao bì cả hộp. Ngoài ra để hạn chế việc cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi dụng việc không quy định khống chế về giá tiêu thụ đặc biệt để lách thuế hoặc áp dụng thuế suất tuyệt đối cho các hàng hóa dịch vụ thì cần phải quy định áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá thị trường đối với loại hàng hóa đó, trong những trường hợp các cơ sở sản xuất kê khai giá bán không hợp lý.

Quy trình mới có thể rút ngắn thời gian ban hành luật từ 22 tháng xuống còn 10 tháng
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã tách bạch quy trình chính sách với việc lập Chương trình lập pháp hàng năm, phân định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo. Với tinh thần đó, đối với các luật, pháp lệnh cần thực hiện quy trình chính sách sẽ gồm 4 bước cơ bản. Trên cơ sở chính sách được thông qua sẽ tiến hành soạn thảo theo quy trình 7 bước, trong đó đơn giản một số thủ tục hoặc một số loại hồ sơ, tài liệu. Quy trình này có thể rút ngắn thời gian ban hành luật từ 22 tháng xuống còn 10 tháng.