Hướng đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp

Thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của cử tri

- Chủ Nhật, 21/03/2021, 06:18 - Chia sẻ
Để lựa chọn được người đại diện cho mình ở các cơ quan dân cử, mỗi cử tri cần phát huy vai trò của mình trong cuộc bầu cử; cũng là thực hiện quyền và trách nhiệm công dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là quyền lợi của mỗi công dân trong cuộc bầu cử.

Quá trình bầu cử được diễn ra trong khoảng 4 tháng, bao gồm các hoạt động chính, theo trình tự: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thống nhất số lượng, cơ cấu, thành phần, đơn vị được giới thiệu người ứng cử; cơ quan, đơn vị tổ chức được phân bổ cơ cấu, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thống nhất lập danh sách sơ bộ người ứng cử; tổ chức hội nghị cử tri (nơi người được giới thiệu công tác và cư trú) để lấy ý kiến cử tri nhận xét về người được giới thiệu ứng cử; lập danh sách chính thức người được giới thiệu ứng cử (bao gồm cả người tự ứng cử); tổ chức các hội nghị TXCT để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử; cuối cùng là bỏ phiếu bầu đại biểu dân cử các cấp.

Cử tri/Nhân dân có quyền và trách nhiệm tham gia và giám sát vào tất cả các công đoạn, các hoạt động của quá trình bầu cử nêu trên. Tuy nhiên, phạm vi, mức độ tham gia có khác nhau ở mỗi công đoạn. Trong bài viết này, xin đề cập đến việc thực hiện quyền và trách nhiệm trực tiếp của cử tri ở một số hoạt động.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thứ nhất, trong các hội nghị TXCT trước ngày bầu cử. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại cơ quan, đơn vị nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử. Tại đây, cử tri được quyền (cũng là trách nhiệm) nêu ý kiến nhận xét đối với người được giới thiệu ứng cử. Để thực hiện tốt nội dung này, cử tri cần nắm chắc quy định về tiêu chuẩn người ứng cử, đó là: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của cơ quan dân cử. (theo Hướng dẫn số: 36-HD/BTCTW, ngày 20.1.2021 của Ban Tổ chức Trung ương).

Đối chiếu các tiêu chuẩn quy định trên đây với thực tế cuộc sống cũng như trong công tác của các ứng cử viên để có những nhận xét, đánh giá công tâm, khách quan, giúp các cơ quan chức năng lựa chọn, giới thiệu các ứng cử viên đạt chất lượng tốt.

Hội nghị lần thứ hai, tiếp xúc với cử tri tại khu vực bầu, đơn vị bầu cử, để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử. Tại đây, cử tri được nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, đó là những lời hứa và cam kết sẽ thực hiện nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu dân cử. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lựa chọn người vào cơ quan quyền lực Nhà nước, cử tri cần dành sự quan tâm đặc biệt đến chương trình hành động của các ứng cử viên. Qua tiếp xúc, nghe, trao đổi với ứng cử viên, cử tri có thể đánh giá được năng lực công tác, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động của ứng cử viên, từ đó có cơ sở cho việc quyết định lựa chọn bỏ phiếu cho ai trong số các ứng cử viên được giới thiệu. Ngoài các hội nghị tiếp xúc trực tiếp, cử tri còn được tiếp cận gián tiếp với các ứng cử viên qua các phương tiện thông tin đại chúng khi các ứng cử viên phát biểu, trả lời phỏng vấn trên các tờ báo, các kênh truyền thanh, truyền hình.

Thứ hai, cử tri tham gia giám sát quá trình bầu cử. Căn cứ các quy định của Luật bầu cử, cử tri giám sát trực tiếp ở đơn vị bầu cử của mình, như: Lập danh sách cử tri (bị thiếu, không đúng quy định về việc lập danh sách, những cử tri bị mất quyền bầu cử theo quy định...); việc ứng cử viên vi phạm trong lập hồ sơ ứng cử (quá trình công tác, bằng cấp, kê khai tài sản...); việc niêm yết danh sánh người ứng cử; việc thực hiện quy trình, các quy định trong ngày bầu cử... Đồng thời, thông qua các cơ quan bầu cử, tham gia với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp để giám sát quá trình cuộc bầu cử. Qua giám sát, cử tri có trách nhiệm phản ánh kịp thời những vi phạm để các cơ quan có trách nhiệm xử lý.

Thứ ba, thực hiện quyền và trách nhiệm cử tri qua lá phiếu bầu cử. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với đất nước và dân tộc. Thông qua hoạt động này, người dân cả nước phát huy quyền làm chủ của mình, thực hiện nghĩa vụ công dân thông qua việc đi bầu cử để chọn ra những người thật sự xứng đáng, có đủ cả đức lẫn tài, cả tâm lẫn tầm, để đại diện cho mình làm đại biểu dân cử.

Lương Anh Tế - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương