Phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo
Huyện Mường Chà được xem là một điển hình trong phát triển mô hình sinh kế giảm nghèo, trong đó, nổi bật nhất là mô hình trồng bí xanh được người dân xã Mường Mươn gọi là "cây giảm nghèo". Mô hình này ban đầu chỉ có 10 hộ dân từ bản Púng Giắt 1 và Púng Giắt 2 tham gia với diện tích 2,6ha và tổng vốn đầu tư 260 triệu đồng, trong đó có hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua thời gian, mô hình đã chứng minh được tính khả thi và hiệu quả cao khi diện tích trồng bí xanh đã tăng lên hơn 20ha, giúp những người tham gia có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đáng kể cuộc sống.
Ngoài mô hình bí xanh, huyện Mường Chà còn triển khai nhiều chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, đã chuyển đổi hơn 1.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như dứa, khoai tây, mắc ca và quế. Những thay đổi này đã không chỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững mà còn mở ra cơ hội làm giàu cho cư dân địa phương.
Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp, từ việc phụ thuộc vào lương thực một vụ sang đa dạng hóa cây trồng, đã tạo ra những tác động sâu rộng tới kinh tế của huyện. Tính đến nay, tỉnh Điện Biên đã triển khai 125 mô hình liên kết hỗ trợ trong vòng 3 năm qua; nhờ đó, nhiều người nghèo đã từ bỏ tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và tự tin vươn lên xây dựng kinh tế gia đình. Đây chính là sự thay đổi căn bản trong nhận thức, thúc đẩy tinh thần tự lực cánh sinh của người dân.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên được Chính phủ giao tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững lên tới 2.063 tỷ đồng. Năm 2023, vốn thực hiện ước tính đạt trên 984 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, nhằm triển khai 7 dự án thiết thực cho cộng đồng như đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất và giáo dục nghề nghiệp. Điều này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo toàn diện và bền vững.
Tăng cường giám sát các hoạt động
Tỉnh Điện Biên không chỉ dừng lại ở việc phân bổ ngân sách mà còn chủ động ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, có 7 nghị quyết của HĐND tỉnh và 6 quyết định của UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, GRDP của tỉnh trong 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng 10,55%, xếp thứ 5 trên cả nước và thứ 3 trong 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tính đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 23,73%, giảm 1,95% so với năm trước.
Để quá trình thực hiện được đồng bộ, xuyên suốt và hiệu quả, 10/10 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Điện Biên đều thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với sự chỉ đạo trực tiếp từ các lãnh đạo cấp huyện. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có quy chế hoạt động rõ ràng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, nhằm bảo đảm công tác triển khai diễn ra hiệu quả.
Tương tự với cấp xã cũng thành lập Ban Quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, tổ chức đoàn thể phụ trách, giúp đỡ thôn, bản. Với các giải pháp tổng thể từ tỉnh, huyện đến cơ sở, Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày một khởi sắc.
Chia sẻ về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên - Nguyễn Thanh Sơn cho biết, triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo, 7 huyện thuộc nhóm huyện nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15.3.2022, gồm: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ đã tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt là các hộ nghèo, giúp họ nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Giai đoạn 2019 - 2024, dự ước tỉnh huy động được trên 2.500 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo; dự ước đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh theo chuẩn nghèo mới giảm xuống còn 31,97% (giảm 5% so với năm 2023). Kết quả này góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Thời gian tới, tỉnh Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025, tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 18,9%...
Để đạt mục tiêu đó, Điện Biên xác định vừa phát huy kết quả đạt được, vừa tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là tiếp tục khơi dậy, phát huy hơn nữa ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Đồng thời, tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.