Chưa có hệ thống cảnh báo thiên tai đúng nghĩa
Những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, sạt lở… diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, nước ta đang ứng dụng nhiều công nghệ trong dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai như: Bản đồ số dự báo lũ, hạn, mặn, cảnh báo bão, trượt lở, lũ quét; hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai từ vệ tinh; hệ thống chống đá rơi, sạt lở… Tuy nhiên, những công nghệ này được các chuyên gia đánh giá còn nhiều hạn chế khiến việc dự báo, cảnh báo chưa đạt độ chính xác cao. Đơn cử, bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện nay có phạm vi quá rộng, chưa phủ được ở diện hẹp; chưa cảnh báo sớm các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và trái quy luật…
Toàn cảnh hội thảo |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến thời điểm này nước ta chưa có một hệ thống cảnh báo thiên tai hiện đại nào. Chúng ta đi sau thế giới rất lâu, như hệ thống đê di động, lắp ghép tại các nước châu Âu đã có từ hơn 50 năm trước, còn chúng ta hàn khẩu đê sông Hồng hay nâng cao trình đỉnh đê sông Bùi năm 2018 vẫn sử dụng biện pháp thủ công như dùng bao tải cát. Việt Nam cũng mới đang trong giai đoạn thử nghiệm các giải pháp giảm sóng, gây bồi, tạo bãi, bảo vệ bờ… nhưng cách đây gần 30 năm (từ 1992), công nghệ đê ngầm phá sóng đã được áp dụng ngoài khơi thị trấn Palm Beach Florida, Mỹ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cảnh báo thiên tai còn hạn chế. Đối với những tình huống thiên tai lớn, phạm vi rộng hoặc cục bộ, trên diện hẹp như đối phó với bão mạnh, lũ lớn, vùng bị sạt lở đất chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu trang thiết bị chuyên dùng để kịp thời phát hiện, ứng phó có hiệu quả, hạn chế thiệt hại.
Xã hội hóa việc áp dụng công nghệ
Trước đòi hỏi cấp bách về phòng, chống và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, nhiều chuyên gia cho rằng áp dụng các giải pháp khoa học - công nghệ là yêu cầu hàng đầu. Tuy nhiên, giải pháp này cần có nguồn lực lớn, trong điều kiện nguồn kinh tế hạn hẹp của nước ta, cần thúc đẩy xã hội hóa ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng chống thiên tai. Ứng phó, thích ứng với thiên tai buộc phải có các nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ và tận dụng thành tựu của loài người.
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Đào Xuân Học cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn khó khăn thì phải chọn áp dụng những giải pháp khoa học công nghệ phù hợp với kinh phí và điều kiện của Việt Nam. Trong đó ưu tiên tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai, bản đồ ngập lụt, hệ thống cảnh báo sớm lũ, lũ quét, ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý xói lở, quản lý vận hành hồ chứa theo thời gian thực...
Để ứng phó với thiên tai, không thể chỉ dựa vào cảnh báo. Ông Hoàng Văn Thắng cho rằng, quan trọng hơn là phải dựa vào năng lực của cộng đồng ở khu vực đó, cần tuyên truyền, cảnh báo sớm cho cộng đồng về kỹ năng, hướng giải quyết khi cảm nhận thấy có rủi ro về thiên tai. Những hiểu biết của người dân về dự báo các nguy cơ thiên tai có thể cứu sống nhiều người trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số khiến các mô hình thời tiết ngày càng khó dự đoán hơn. Về vấn đề này, quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai Đặng Quang Minh cho biết, hiện Tổng cục đang sử dụng mạng xã hội và hệ thống đào tạo trực tuyến để truyền thông bằng hình ảnh trực quan (các video đồ họa 3D) tới gần với người dân hơn, thông qua đó nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai.