Theo đó, phát triển nền tảng số quốc gia về trợ lý ảo dùng chung trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm nhằm mục đích giúp tự động hóa quy trình, tiết kiệm nhân công, tăng cường năng suất công việc và chất lượng dịch vụ. Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là phát triển các nền tảng trợ lý ảo phục vụ các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân; khách du lịch và người học.
Nền tảng họp trực tuyến cho cơ quan nhà nước do doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển, được triển khai trên hạ tầng kỹ thuật dùng chung của cơ quan nhà nước, phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu cơ bản và nâng cao về tính năng, chức năng, hiệu năng của Bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật tại Quyết định số 157/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 28.01.2022.
Đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin theo cấp độ về hạ tầng kỹ thuật, lưu trữ, khai thác thông tin, dữ liệu người dùng theo các quy định của Nhà nước để tránh nguy cơ thất thoát, khai thác thông tin trái phép; hỗ trợ khả năng tích hợp với các nền tảng số khác khi cần; hỗ trợ nhiều phương thức kết nối đầu cuối trong họp trực tuyến giúp tận dụng đầu cuối sẵn có để tối ưu chi phí, thuận tiện, dễ sử dụng cho cơ quan nhà nước.
Nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân do các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển, phải đáp ứng tốt nhất việc chuyển đổi số, xử lý công việc, tối ưu chi phí cho doanh nghiệp, cá nhân trong cộng đồng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về tính năng, chức năng, hiệu năng và an toàn thông tin theo Bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật tại Quyết định số 157/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 28.01.2022.
Các nền tảng này được triển khai trên hạ tầng kỹ thuật trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây của các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt, có năng lực đáp ứng nhu cầu người dùng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc.