Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã khẳng định vị trí của những người “tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu” khi đưa ra các cam kết tham vọng về mục tiêu “đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050” và ký tham gia toàn bộ nội dung của “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch” tại COP26.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam TS. Nguyễn Linh Ngọc cho biết, việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là tất yếu. Việt Nam là nước sẽ chịu nhiều tác động xấu của biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng, cần tham gia với cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu và không thể đứng ngoài cuộc.
Trong nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu đã cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng. Quy hoạch Điện VIII (PDP8) dự báo rằng không phải điện mặt trời mà là năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Có thể khẳng định, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn carbon từ nhiệt điện, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Diễn đàn có vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất những ý kiến, đóng góp, chia sẻ các định hướng, giải pháp thực tiễn để tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, cơ chế chính sách trong việc phát triển năng lượng điện gió, tạo cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Việc phát triển điện gió chính là hướng đi mới, phù hợp với xu thế thế giới, không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trọng những giải pháp góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26. Vì vậy, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn Tiền nhận định, phát triển nguồn năng lượng tái tạo được xác định rõ tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và đang dần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có lợi thế rất quan trọng đối với năng lượng gió, vị trí thuận lợi phát triển đặc biệt là điện gió ngoài khơi giúp chúng ta thoát khỏi phụ thuộc nguồn năng lượng hóa thạch.
Việt Nam xác định rõ việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng” trong đó trọng tâm về việc chuyển dịch năng lượng, thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp, tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học (cả trên cạn và dưới nước) và tình hình phát thải khí nhà kính. Trong đó, làm rõ đóng góp của ngành năng lượng vào tổng phát thải của Việt Nam, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới…
Tại Diễn đàn, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho rằng, Việt Nam thuận lợi và có tiềm năng phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính; Tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cải thiện đời sống của người dân… Điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai…