Hà Nội

Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch và nghệ thuật công cộng

- Thứ Hai, 14/06/2021, 07:06 - Chia sẻ
Tính từ làn sóng Covid-19 lần đầu cho đến nay, các công ty lữ hành đang dần thích nghi với cảnh “sống chung” với đại dịch nhưng bị động trong hoạt động kinh doanh bởi sau mỗi đợt dịch được kiểm soát, nhu cầu du lịch, trải nghiệm của khách hàng tăng đột biến, nhiều điểm đến trở nên quá tải.

Chuyển đổi đồng bộ, nắm bắt nhu cầu

Từ trước đến nay, các công ty lữ hành đều nằm trong guồng quay liên tục bởi nhu cầu du lịch, trải nghiệm của khách hàng ngày một lớn, không đủ thời gian để xử lý các vấn đề về tổ chức, quản lý nhân sự, tài chính… Đây được xem là “căn bệnh mãn tính” của hầu hết đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong nước. Chính vì vậy, khi làn sóng Covid-19 tác động tới thị trường, các công ty mới có cơ hội chuyển mình.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội là điểm nhấn nghệ thuật thu hút khách du lịch đến với Thủ đô với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội là điểm nhấn nghệ thuật thu hút khách du lịch đến với Thủ đô với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc
Nguồn: ITN

Chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động du lịch đã được rất nhiều công ty thực hiện nhằm tối ưu hóa công tác quản lý nhân sự, mở rộng tệp khách hàng cũng như quản lý, tối ưu hóa lợi nhuận khi triển khai các mô hình mới. Với việc không có nguồn thu từ du lịch quốc tế (khách nước ngoài đến Việt Nam và khách Việt Nam ra nước ngoài), khai thác tiềm năng của khách hàng nội địa là một trong những yếu tố then chốt nhằm gỡ khó cho các công ty lữ hành hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi số, nhằm cắt giảm chi phí đầu ra, nắm bắt nhu cầu của khách hàng ngay cả khi họ không thể du lịch. Khai thác một cách hiệu quả tâm lý khách hàng thông qua các thuật toán về tìm kiếm địa điểm du lịch, thời gian khách hàng tìm kiếm điểm đến, từ đó, bố trí nguồn nhân lực phù hợp để tư vấn, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Với giai đoạn hiện nay, khi nhiều khách hàng lựa chọn hoãn hoặc hủy những tour đã đặt, nhiều công ty đã chuyển sang hướng kinh doanh, cung cấp các dịch vụ như thuê xe du lịch, tổ chức sự kiện tại gia,... phù hợp với tâm lý an toàn của khách hàng. Tính tích cực trong chuyển đổi số tạo ra, đó là thông tin khách hàng được cập nhật nhanh, chính xác, hoạt động chăm sóc khách hàng trong các dịp lễ, Tết, cũng hiệu quả hơn. Từ đó, nắm bắt tốt hơn nhu cầu, thị hiếu để tư vấn, tiếp thị sản phẩm.

Không chỉ riêng doanh nghiệp lữ hành tiến hành chuyển đổi số trong cách thức vận hành và hoạt động, nhiều điểm đến cũng đã “chuyển mình”, thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Suy giảm khách quốc tế vốn chiếm phần lớn tỷ trọng, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) buộc phải làm mới mình để thu hút khách nội địa. Sau khi hình thành các sản phẩm dành riêng cho khách Việt và bổ sung chương trình tham quan buổi tối, điểm đến này đã tận dụng triệt để mạng xã hội để quảng bá tour và đưa di tích gần hơn với công chúng. Với các nội dung sáng tạo, thông tin cập nhật cùng sự tương tác và phản hồi nhanh chóng tới cộng đồng, lượng người theo dõi trang Facebook của di tích đã tăng lên trên 50.000 lượt, so với con số hơn 3.000 trước đó vài tháng. Nhờ đó, khách Việt đã biết và ghé thăm Hỏa Lò nhiều hơn, đạt tỷ lệ khoảng 38% vào năm 2020, so với 25% của năm 2019.

Kết hợp những giá trị nghệ thuật cốt lõi

Đưa diễn xướng dân gian trở thành dịch vụ phục vụ du lịch dưới nhiều hình thức như diễn xướng quan họ, đối đáp, mời trầu khách du lịch, tặng quà,...; Hát xoan, hát xẩm dễ dàng bài trí ở không gian công cộng bởi tính linh động, thu hút không chỉ du khách quốc tế mà còn cả du khách nội địa muốn tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

Không chỉ là một địa bàn thu hút phần lớn khách du lịch quốc tế, khách du lịch trong nước, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một điểm thu hút trải nghiệm và tham quan nhiều nhất. Thực tế cho thấy vài năm trở lại đây, nhờ có sự xuất hiện của một loạt dự án nghệ thuật công cộng trong khu vực phố cổ cùng với chính sách phát triển mở rộng khu phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm đã trở thành một địa bàn cho thấy rõ được hiệu quả của việc gắn kết nghệ thuật công cộng với phát triển thu hút du lịch hay nói cách khác là cho thấy được vai trò của nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị.

Đời sống văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội thông qua nghệ thuật công cộng được nâng cao, là điểm nhấn trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì vậy, cần có những đề xuất nhằm kết nối các dự án nghệ thuật công cộng và những không gian nghệ thuật đương đại mới thành một bản đồ khám phá nghệ thuật trong thành phố, trở thành những sản phẩm du lịch khám phá văn hóa trải nghiệm cho du khách quốc tế cũng như địa phương. Sự giao thoa, kết hợp này có thể trở thành một cú hích đưa Hà Nội trở thành một thành phố trong chuỗi các thành phố sáng tạo trên thế giới. Các không gian nghệ thuật, các dự án nghệ thuật công cộng và các không gian sáng tạo của thành phố sẽ trở thành một chuỗi liên kết giá trị thu hút hấp dẫn khách du lịch.

Cùng với đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 giữa Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, các website của ngành du lịch Thủ đô sẽ được hoàn thiện, cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật tới du khách. Các quận, huyện trên địa bàn sẽ chuẩn hóa các nội dung thuyết minh để triển khai audio guide (thuyết minh tự động bằng tai nghe) bằng nhiều ngôn ngữ tại các điểm tham quan. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu trước mỗi chuyến đi.

Việc duy trì sự hiện diện thương hiệu của các địa điểm du lịch, hay hoạt động chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp lữ hành ứng dụng chuyển đổi số là hoạt động thiết yếu, là bước “chạy đà” cần thiết để phục hồi trong tương lai.

Văn Anh