Giải quyết kịp thời tình trạng thiếu hụt nguồn lao động

- Thứ Hai, 01/08/2022, 15:51 - Chia sẻ

Nhằm khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng với mọi điều kiện để kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã thực sự trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp giải quyết nguồn lao động, đồng thời hỗ trợ người lao động tìm được việc làm phù hợp với trình độ, năng lực.

Cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động

Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng không nằm ngoài guồng ảnh hưởng đó. Đại dịch ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng trăm doanh nghiệp, kéo theo đó là hàng nghìn người lao động phải nghỉ việc, giãn việc hoặc lâm vào cảnh thất nghiệp. Đến cuối năm 2021, dịch bệnh được đẩy lùi, mọi hoạt động xã hội dần trở lại trạng thái bình thường nhưng vẫn có doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực, trong khi nhiều người lao động chưa có việc làm mới. 

Nhiều chính sách hỗ trợ giúp người lao động Thái Nguyên sớm quay lại thị trường lao động

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp. Hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; website của Trung tâm; tổ chức gặp mặt với mục đích kết nối để người lao động và doanh nghiệp trao đổi, đối thoại về vị trí việc làm, chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi...

Tại các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến do Trung tâm tổ chức, đã thu hút được đông đảo người lao động và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia. Bình quân mỗi phiên giao dịch có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia, với nhu cầu nhân lực cần tuyển dụng khoảng 30.000 người, tại 25 vị trí việc làm, tập trung ở các nhóm ngành sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử; may mặc, công nghệ; nhựa, bao bì; kinh doanh bán hàng; mộc, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng.

Trong tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: Tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, Zalo, Facebook hoặc website của Trung tâm. Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho doanh nghiệp và người lao động, trong 2 năm (2020 - 2021), Trung tâm đã tiến hành thu thập, tổng hợp thông tin, nhu cầu tuyển dụng của gần 1.000 lượt doanh nghiệp, đồng thời, điều tra, xác định rõ nguồn nhân lực tại các thành phố, huyện trong tỉnh.

Tổ chức thành công 235 phiên giao dịch 

Bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp và trực tuyến, Trung tâm đã tổ chức thành công 235 phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ tuyển dụng lao động cho hơn 1.000 lượt doanh nghiệp thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Kạn và TP. Hà Nội. Theo đó, gần 10.000 lượt người lao động đã được Trung tâm kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, nhà tuyển dụng có thể thực hiện phỏng vấn, lựa chọn nhân lực phù hợp với vị trí việc làm; người lao động có thể tìm hiểu về năng lực sản xuất, kinh doanh của công ty, chế độ tiền lương, tiền thưởng, nghỉ phép, thai sản và các chính sách ưu đãi khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... Sau cùng là các thỏa thuận lao động giữa 2 bên được ký kết.

Qua sàn giao dịch việc làm, hơn 60.000 lượt người lao động đã được tư vấn miễn phí về việc làm và học nghề; hơn 6.000 người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng ở 25 vị trí việc làm; hơn 3.000 lượt người được giới thiệu việc làm. Tính từ đầu năm 2022 đến hết tháng 6, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức thành công 39 phiên giao dịch việc làm, trong đó, 2 ngày hội việc làm cấp tỉnh, 5 phiên giao dịch trực tuyến, 26 phiên giao dịch việc làm cấp xã, 1 phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ và 5 phiên giao dịch việc làm định kỳ.

Trung tâm cũng đã tổ chức 5 hoạt động tư vấn, định hướng việc làm, học nghề, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lao động việc làm, bảo hiểm xã hội và nâng cao kỹ năng làm việc cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm tổ chức 3 hội nghị tư vấn việc làm cho đồng bào dân tộc Mông tại huyện Võ Nhai; 14 hội nghị định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Các hoạt động thu hút hơn 23.000 lượt người tham gia, trong đó, 2.700 lượt người được giới thiệu việc làm; 810 người lao động được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc.

Các hoạt động kết nối cung - cầu lao động của Trung tâm được chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người lao động đánh giá cao; tại các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm luôn đáp ứng đầy đủ nhất cho doanh nghiệp và người lao động những thông tin cần thiết, hữu ích liên quan đến Luật Lao động; quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.

Phan Phương
#