Thái Nguyên:

Bàn giải pháp phát triển chè và sản phẩm trà

- Thứ Năm, 27/02/2020, 00:01 - Chia sẻ
Ngày 26.2, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Hội Chè Thái Nguyên nhằm xây dựng giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh chè và sản phẩm trà trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Hội Chè Thái Nguyên hiện có 106 hội viên, bao gồm 30 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 18 tổ hợp tác và 16 cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh chè. Những năm qua, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân hội viên đã không ngừng cải tiến, đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, chấp hành đầy đủ các quy định, quy trình về sản xuất chè an toàn, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên. Tiêu biểu như: Công ty CP Chè Hà Thái, Công ty TNHH Trung Nguyên, Công ty Chè Vạn Tài, Hợp tác xã Chè Tân Hương, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt… Nhiều đơn vị của Hội đã được UBND tỉnh tặng bằng khen, đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi chè quốc tế, một số sản phẩm trà được chọn làm quà tặng tại diễn đàn APEC năm 2017.

Tại buổi làm việc, các hội viên chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện còn gặp không ít khó khăn trong hoạt động như: Hội chưa được công nhận là một trong những tổ chức hội nghề nghiệp trực thuộc tỉnh quản lý; chưa có văn phòng làm việc; kinh phí hạn hẹp nên mọi hoạt động chủ yếu là lồng ghép, phối hợp với các cơ quan khoa học trong và ngoài tỉnh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các hội viên trong việc sản xuất và kinh doanh chè, đơn cử như: tỷ lệ chè xuất khẩu còn thấp, ít doanh nghiệp tham gia, các hợp tác xã chưa có điều kiện đầu tư chế biến sâu, vùng nguyên liệu quy mô  còn nhỏ và phân tán.

Nhằm khắc phục những khó khăn trong hoạt động của Hội, thúc đẩy ngành phát triển sản xuất, kinh doanh chè theo hướng bền vững, gia tăng thu nhập cho người làm chè, các hội viên và một số doanh nghiệp, hợp tác xã đưa ra những giải pháp, trong đó tập trung vào các nội dung: Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chè đầu tư liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu; quy hoạch vùng chè nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã; gắn phát triển chè với phát triển du lịch…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng đề nghị, các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm đến các doanh nghiệp, hợp tác xã từ khâu sản xuất, chế biến cho tới tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường quản lý nhãn hiệu tập thể  “Chè Thái Nguyên”.  Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ làm việc với Hội Chè Thái Nguyên tham mưu cho UBND tỉnh về việc công nhận Hội Chè Thái Nguyên là một tổ chức nghề nghiệp của tỉnh vào tháng 3.2020; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng văn bản, hướng dẫn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm vùng nguyên liệu chè. Đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới trong năm 2020 cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây chè.

 Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Lượng cũng lưu ý các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động liên kết với các hộ dân để mở rộng vùng sản xuất chè; các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hội Chè Thái Nguyên tham gia các hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến đầu tư. 

Phan Phương