Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thông qua Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

- Thứ Tư, 09/12/2020, 15:56 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 51, sáng 9.12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Mở rộng chế độ, chính sách với người có công với cách mạng

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đối tượng áp dụng và đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung các quy định: mở rộng công nhận đối tượng người bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; do đó, Cơ quan soạn thảo đã bổ sung báo cáo số liệu về đối tượng, kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ưu đãi.

Pháp lệnh hóa quy định của Nghị định 31/2013/NĐ-CP về đối tượng vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng và bổ sung chế độ bảo hiểm y tế.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành Phiên họp

Ảnh: Quang Khánh 

Với đối tượng người nước ngoài có công với cách mạng; chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng (NCCVCM) đang định cư ở nước ngoài và người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974 - 1975 nhưng chưa đủ thời gian cấp Huy chương nêu tại Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19.7.2017 của Ban Bí thư. Trong đó, đối với người nước ngoài có công với cách mạng: tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thống nhất với Chính phủ thể hiện trong Công văn số 425/CP-PL ngày 19.9.2020, kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành theo hướng không hạn chế việc việc thực hiện chính sách ưu đãi người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ quy định tại khoản 6 Điều 48 về quy định việc thực hiện chính sách ưu đãi người nước ngoài có công với cách mạng.

Đối với NCCVCM đang định cư ở nước ngoài, do không bị hạn chế việc nhận chế độ ưu đãi mà mình được hưởng. Trong quá trình thực hiện, đề nghị Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải chỉ đạo, hướng dẫn các phương thức phù hợp để đối tượng nhận được chế độ ưu đãi.

Đối với người hoạt động kháng chiến chưa đủ thời gian cấp Huân chương, Huy chương: Theo báo cáo của Cơ quan soạn thảo, các đối tượng này đã được hưởng một số chế độ ưu đãi như trợ cấp một lần hoặc hằng tháng theo Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg nếu có thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp; Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg nếu có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ; nếu đối tượng này đã được tặng Bằng khen thì nhận thêm một khoản trợ cấp một lần theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg. Nếu bổ sung đối tượng này vào dự thảo Pháp lệnh dẫn đến có thể phải bổ sung chế độ, chính sách trong khi họ đã hưởng chế độ trợ cấp một lần và không nhất quán với quan điểm về giải quyết chính sách từ trước đến nay. Do đó Ủy ban Về các vấn đề xã hội thống nhất với giải trình của Cơ quan soạn thảo.

Nâng mức trợ cấp hàng tháng gấp 3 lần chuẩn cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Về chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Điều 18), Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo nguyên tắc đảm bảo mức sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.

Theo đó, Công văn số 425/CP-PL của  Chính phủ đề nghị giữ mức trợ cấp tuất hàng tháng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng như đối với thân nhân liệt sĩ (tính theo số liệt sỹ) như Pháp lệnh hiện hành và Chính phủ sẽ nghiên cứu nâng mức phụ cấp hàng tháng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng lên mức tương xứng, cùng với phụng dưỡng của xã hội để đảm bảo mức sống tốt. Quan điểm và đề xuất này của Chính phủ chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng nhận thấy Pháp lệnh hiện hành quy định chế độ trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ, trong đó giới hạn không quá mức trợ cấp 3 liệt sĩ (tương ứng 3 lần mức chuẩn) và đã được thực hiện ổn định trong những năm qua và mức trợ cấp 3 lần mức chuẩn bảo đảm được cuộc sống tốt cho đối tượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Phiên họp

Ảnh: Quang Khánh 

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi thống nhất với Cơ quan soạn thảo, dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý theo hướng giữ mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ tại điểm a khoản 3 Điều 16 như hiện hành về cha đẻ, mẹ đẻ, con liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, người có công nuôi liệt sĩ; trường hợp có nhiều liệt sĩ thì theo các mức thân nhân của hai liệt sĩ, thân nhân của ba liệt sĩ trở lên. Riêng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, quy định chế độ trợ cấp được hưởng bằng 3 lần mức chuẩn trợ cấp hàng tháng chứ không tính theo số liệt sĩ và phụ cấp hằng tháng Theo khoản 2, Điều 18 về chế độ trợ cấp hằng tháng bằng 3 lần mức chuẩn và khoản 3 tại Điều 18 về phụ cấp hàng tháng.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, để thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 47, với trách nhiệm cao nhất để thực hiện Pháp lệnh với tinh thần đổi mới và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, cùng với đó là ngăn chặn vấn đề có thể xảy ra khi thực hiện Pháp lệnh trong thực tiễn. Để đảm bảo việc thực hiện chính sách vừa ổn định, có tính kế thừa, liên tục nhưng phải công bằng và có lợi nhất với đối tượng được hưởng chính sách. Ngoài ra, còn một số nội dung về từ ngữ cần sửa cho dễ hiểu như không sử dụng từ "vết thương tái phát” và sau này cần giải thích thêm trong quá trình thực hiện

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đều thống nhất thông qua Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

+Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến về chương trình, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Hồ Long