Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, liên quan đến việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê, tại khoản 4 Điều 78 về Hình thức phát triển nhà ở xã hội đã nêu 2 phương án. Theo đó, phương án 1: “4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê”. Phương án 2: Chưa quy định khoản 4.
Phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật này, nhiều đại biểu đồng thuận với phương án 1. Báo cáo số 661/BC-UBTVQH15 ngày 22.10.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng cho thấy, đa số ý kiến ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành phương án 1. Theo phương án này, Tổng Liên đoàn sẽ giao Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng Liên đoàn có chức năng, nhiệm vụ và đủ năng lực làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê và quản lý sau đầu tư.
Để thống nhất về cơ chế, chính sách với Luật Nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành, Tổng Liên đoàn đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, đối với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), kiến nghị bổ sung khoản 3a Điều 9 Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, theo hướng: “3a. Các hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê và giao dịch về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật”. Do đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê của Tổng Liên đoàn là hoạt động phi lợi nhuận, Tổng Liên đoàn sẽ giao Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê và quản lý sau đầu tư.
Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc giao đất xây dựng nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn cũng cần được cụ thể hóa theo hướng bổ sung, điều chỉnh như sau: Bổ sung một khoản tại Điều 120, Luật Đất đai (sửa đổi) xác định rõ hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất xây dựng nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư theo hướng: “Giao đất cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở”.
Bổ sung vào Điều 124. Các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, theo hướng: “Giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá, đấu thầu đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê”. Bổ sung vào điều 157. Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, theo hướng: “Miễn giảm tiền sử dụng đất đối trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê”.