Thông điệp về bình đẳng giới tới độc giả nhỏ tuổi

- Thứ Ba, 20/10/2020, 17:40 - Chia sẻ
Hệ thống nhân vật trong bộ sách “Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích thời hiện đại” được xây dựng với tư duy sáng tạo, sẵn sàng thách thức rào cản để truyền thông điệp về bình đẳng giới tới độc giả nhỏ tuổi.

Kể lại truyện cổ tích

Ngày xửa ngày xưa, tại vương quốc Hơ Pênh xa xôi, có một điều vô cùng kỳ diệu vẫn được người già kể lại cho con cháu đến tận ngày hôm nay... Vương quốc có tập tục: Người ngồi trên ngai vàng nhất thiết phải là đàn ông. Nhưng rồi đến một ngày, câu chuyện kỳ lạ về vị nữ vương đầu tiên đã làm thay đổi tất cả...

Bộ sách "Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích thời hiện đại" truyền thông điệp về bình đẳng giới tới độc giả nhỏ tuổi

Chia sẻ về tác phẩm truyện tranh “Nàng Công chúa Tóc xù”, tác giả Bùi Thị Giang cho biết, sau khi tham gia một số khóa học và tìm hiểu về giới, cô nhận ra những vấn đề về nhận thức và sự bất bình đẳng giữa hai giới. “Có một thuyết gọi là thuyết trung dung trong làn sóng nữ quyền thứ nhất, tức là con gái hay con trai đều bình đẳng trong suy nghĩ và có trí thông minh như nhau. Tôi muốn dựa vào đấy để xây dựng câu truyện này, rằng một cô công chúa hoàn toàn có thể cai trị vương quốc vì tài trí tương đương với các bậc trượng phu mà vương quốc ấy cần tìm kiếm”.

Bùi Thu Giang là một trong nhiều tác giả đã tham gia cuộc thi “Thế hệ bình đẳng: Sáng tác truyện cổ tích thời hiện đại” do UN Women, ChildFund Việt Nam và Đại sứ quán Ireland tổ chức năm 2019. Cuộc thi nhằm xóa bỏ những định kiến giới và chuẩn mực giới có hại, cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ em thường thấy trong các câu truyện cổ tích. Những tác phẩm đạt giải cao nhất cuộc thi đã được tập hợp trong bộ sách “Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích thời hiện đại” gồm 2 cuốn truyện bìa mềm: “Chuyện thần kỳ ở Vương quốc Giày” và “Tuyển tập những câu chuyện cổ tích về bình đẳng giới”.

Từ trước đến nay, trong thế giới truyện cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Cô bé Lọ Lem hay Nàng công chúa ngủ trong rừng, các nhân vật nam thường được khắc họa với tính cách mạnh mẽ, chủ động, dũng cảm và nắm vai trò chỉ huy. Ngược lại, các nhân vật nữ thường bị đóng khung trong các hình ảnh xinh đẹp, yếu đuối, phụ thuộc; chủ yếu làm các công việc như dọn dẹp, nấu ăn và chăm sóc gia đình, thụ động chờ sự giải cứu của nhân vật nam để tìm kiếm hạnh phúc.

Bộ sách “Thế hệ bình đẳng: Sáng tác truyện cổ tích thời hiện đại” đưa đến cái nhìn mới từ những nhân vật trong cuốn sách. Như truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mị Nương công chúa không hề mờ nhạt mà đã tự quyết định số phận của mình. Mị Nương quyết định lấy Thủy Tinh, cùng với chàng giúp dân, giúp đất nước trong những công việc trọng đại... Từ những câu truyện như vậy, bộ sách nhằm cất lên thông điệp về sự nhìn nhận, tư duy mới về người phụ nữ chủ động, tự quyết định công việc của mình.

Tư duy mới về nữ giới

Trong Lễ Công bố và chiến dịch gây quỹ “Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích thời hiện đại” sáng 20.10 tại Hà Nội, nhiều ý kiến nhận định văn học thiếu nhi đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải văn hóa và định hình nhân cách cho trẻ, trong đó có nhận thức về giới.

Tuy nhiên, có một thực tế là thành kiến về giới tồn tại trong cả hình minh họa, nội dung và ngôn ngữ trong nhiều sách dành thiếu nhi. Theo nghiên cứu, khảo sát từ các xuất bản phẩm, tên dành cho bé trai được xuất hiện với tần suất gần gấp đôi tên dành cho bé gái. Các nhân vật nam xuất hiện trong hình minh họa và trang bìa nhiều hơn 53% so với nhân vật nữ.

Bộ sách là cơ hội để thúc đẩy tiếng nói về bình đẳng giới

“Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích thời hiện đại” là bộ sách cổ tích hiện đại về bình đẳng giới đầu tiên dành cho thiếu nhi, được Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), ChildFund Việt Nam và Crabit Kidbooks giới thiệu tới bạn đọc sau gần một năm biên soạn. 20% số tiền thu được từ hoạt động bán sách ủng hộ Ngôi nhà Bình yên - nơi tạm trú và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người và xâm hại tình dục.

Sự thiếu vắng nhân vật là nữ đã hạn chế phát triển tư duy về bình đẳng giới, làm xuất hiện định kiến giới. Những định kiến này đã hạn chế quyền tự do thể hiện của trẻ em, cả trai và gái, do vai trò giới hiện diện trong những câu chuyện mà trẻ được học, được đọc tại gia đình và trường học.

Với những bé trai, các cuốn sách thường hướng tới thông điệp xây dựng người đàn ông mạnh mẽ, có khả năng lãnh đạo, thích hành động. Trong khi đó, sách cho bé gái lại nhấn mạnh việc trở thành người mẹ và người vợ trong tương lai. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của vai trò giới trong tương lai ở trẻ nhỏ.

Bà Vũ Phương Ly, chuyên gia về chương trình của UN Women, cố vấn kỹ thuật của bộ sách cho biết, bộ sách ra đời trong bối cảnh các sản phẩm đọc thúc đẩy bình đẳng giới dành cho thiếu nhi còn rất ít trên thị trường. “Thông qua bộ sách, UN Women muốn truyền tải thông điệp về một tương lai bền vững và bình đẳng, nơi mọi trẻ em, bất kỳ giới tính nào, cũng được lớn lên lành mạnh, được tôn trọng, tự do phát triển và có thể theo đuổi mọi ước mơ mà không bị bất kỳ định kiến, rào cản nào ngăn trở”.

Thái Minh