Trong đó có Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay thế Quy định 262-QĐ/TW ngày 8.10.2014. Quy định 96 có nhiều vấn đề mới, quan trọng, cấp bách, đòi hỏi các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh nhất thiết phải nghiêm túc thực hiện toàn diện nếu muốn trụ vững và có bước đi lên.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm - căn cứ đánh giá cán bộ
Có thể thấy, so với Quy định 262-QĐ/TW trước đó, Quy định 96-QĐ/TW nhằm tiếp tục thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ (chứ không phải chỉ “là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng...” như Quy định 262-QĐ/TW). Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo.
Và từ đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ một kênh thông tin tham khảo trở thành căn cứ đánh giá cán bộ là một sự thay đổi lớn về chất, buộc cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tập trung cao độ để làm tròn chức trách của mình nếu không muốn sớm bị đào thải. Vì Quy định 96-QĐ/TW nêu rõ: “Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định”, và “Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm” (khoản 2, khoản 3 Điều 11 của Quy định).
Với quy định này, chắc chắn các cuộc lấy phiếu tín nhiệm tới đây sẽ thực chất hơn nhiều.
Từ nội dung quy định thành tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm
Một trong những điểm đáng chú ý trong Quy định này, đó là từ nội dung lấy phiếu tín nhiệm mà quy định thành tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm.
Quy định 96-QĐ/TW có 2 nhóm tiêu chí là Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, có những tiêu chí mới hoặc được nhấn đậm như là thước đo của sự đánh giá.
Cụ thể, trong nhóm tiêu chí Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, có nội dung vừa là điểm mới, vừa được nhấn đậm, đó là, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Thực ra một nhà lãnh đạo, quản lý tài giỏi là phải xử lý tốt các tiêu chí này, nhưng lâu nay, ở cơ quan này, đơn vị kia thường thường Thủ trưởng chỉ chịu trách nhiệm chung chung. Nay ở nhiều cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng đồng thời là Bí thư cấp ủy nên không thể tránh né. Tiêu chí khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ, xử lý được các vấn đề phức tạp, nhạy cảm đã trở thành điều kiện tiên quyết để đạt được số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao. Nếu để những vấn đề đó tồn tại, kéo dài thì trước hết thuộc trách nhiệm của Thủ trưởng và khi lấy phiếu tín nhiệm, ắt sẽ có nhiều phiếu thuộc mức tín nhiệm thấp...
Một số tiêu chí cụ thể khác trong nhóm tiêu chí này cũng rất mới, rất quan trọng, đó là: trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú (Điểm 3 khoản 1 Điều 5 của Quy định). Các tiêu chí này đòi hỏi người đứng đầu vừa phải gương mẫu ở nơi làm việc, vừa phải là “thủ lĩnh” trong gia đình, đồng thời lại phải gắn bó mật thiết với địa bàn nơi gia đình mình sinh sống. Ở nơi làm việc, nếu Thủ trưởng giỏi chuyên môn nghiệp vụ; giỏi việc dùng người, giỏi tổ chức công tác, giỏi quản lý, điều hành; thượng tôn pháp luật và thưởng, phạt công minh thì đội ngũ dưới quyền sẽ tâm phục, khẩu phục, sẽ noi gương và làm theo Thủ trưởng; anh em, đồng chí trong đơn vị sẽ gắn bó keo sơn. Ở gia đình, nếu Thủ trưởng nghiêm khắc và đúng mực tình cảm với vợ (chồng), con, anh em thì đại gia đình sẽ thuận hòa, êm ấm. Ngoài xã hội, nếu Thủ trưởng xử sự đúng mức, tình nghĩa với bạn bè, người thân và chan hòa trong cuộc sống ở nơi cư trú thì xóm giềng sẽ thân ái và Thủ trường sẽ là người được tôn kính. Được như thế nghĩa là Thủ trưởng đã thực thi đúng Quy định 96-QĐ/TW của Đảng và đã thấm nhuần sâu sắc lời răn dạy của các bậc tiền nhân “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Thủ trướng sẽ xứng đáng là hạt nhân quy tụ lòng người.
Trong nhóm tiêu chí Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu) có 3 tiểu nhóm tiêu chí mang tính “đột phá”. Một là, các chức danh lãnh đạo phải phấn đấu để có đầy đủ các đức tính (tính cách) của người lãnh đạo, quản lý, đó là, năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng “trung bình chủ nghĩa” hoặc có chức danh nào đó, trước đó “nín thở”, sau khi được bầu, được phê chuẩn hoặc được bổ nhiệm thì “thở phào” nhẹ nhõm và xuất hiện tư tưởng yên vị, nhẩn nha, túc tắc, vội gì, còn cả nhiệm kỳ cơ mà. Như thế sẽ rất nguy hiểm cho cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, người lao động dưới quyền. Quy định 96-QĐ/TW lần này bắt buộc các chức danh phải luôn chủ động trên tư thế tiến công vào công việc với tinh thần trách nhiệm cao, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán và tự chủ.
Hai là, không chỉ định tính mà có cả định lượng, Quy định 96-QĐ/TW không chỉ yêu cầu đánh giá đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý mà còn có cả trách nhiệm với các đơn vị cấp dưới. Đó là: số lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Các tiêu chí này yêu cầu các chức danh lãnh đạo, quản lý phải liệt kê cụ thể những công việc mình đã làm, đã chỉ đạo thực hiện; xác định rõ chất lượng, hiệu quả của mỗi công việc chứ không chỉ nói chung chung là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới thực thi nhiệm vụ; mức độ hoàn thành của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị (nói rõ số lượng công việc và chất lượng mỗi công việc đã làm được của các đơn vị trực thuộc).
Ba là, Quy định 96-QĐ/TW nhấn mạnh công tác tổ chức bộ máy và công tác kiểm tra, giám sát. Về tổ chức bộ máy, trên thực tế có những cơ quan, đơn vị bộ máy đã hợp lý, ổn định, nhưng Thủ trưởng lại tiếp tục “tăng cường” bộ máy, tăng thêm số lượng cán bộ, công chức cho bề thế hơn và coi đó là một “thành tích xuất sắc” của mình, trong khi cả nước đang thực hiện tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nhất là đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp công. Quy định 96-QĐ/TW đặt mạnh vấn đề kiểm tra, giám sát là vì, đây là một nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo. Ngay từ năm 1947, Bác Hồ đã dạy, muốn biết cán bộ tốt, xấu thế nào; các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không và bản thân nghị quyết có khuyết điểm gì thì chỉ có kiểm soát mới biết được. “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết. Hơn nữa, kiểm soát khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(*). Như vậy, Quy định 96-QĐ/TW yêu cầu các chức danh lãnh đạo phải tiếp tục thực thi tốt lời dạy của Bác và phải chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”.
Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã mở rộng quy mô lấy phiếu tín nhiệm ra toàn bộ hệ thống chính trị, gồm các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Nội hàm của Quy định đã và đang giúp cho cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện vươn lên hoàn thiện bản thân, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch và vững mạnh.
--------------------------------
(*) Hồ Chí Minh Về vấn đề cán bộ, NXB Sự Thật, HN 1975, trang 50.