Bảo đảm không phát sinh chi phí
Về đăng ký lao động (Chương III), báo cáo của Ủy ban Xã hội về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nêu, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Tám, có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm chứ không chỉ quy định cơ sở dữ liệu về người lao động; bổ sung quy định về cách thức đăng ký lao động; rà soát, điều chỉnh các quy định để việc đăng ký của người lao động được thuận lợi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; làm rõ việc cần thiết quy định thêm thủ tục đăng ký lao động đối với 18 triệu lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội…
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về: nguyên tắc đăng ký lao động (Điều 21); thông tin, trình tự đăng ký, điều chỉnh thông tin lao động, trong đó có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 22); quyền và nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động (Điều 23). Đồng thời, giao Chính phủ quy định thông tin, trình tự đăng ký, điều chỉnh thông tin lao động (khoản 5 Điều 22) và việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về người lao động (khoản 4 Điều 24).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhất trí với việc chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về: nguyên tắc đăng ký lao động; thông tin, trình tự đăng ký, điều chỉnh thông tin lao động, trong đó có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quyền và nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động.
Tại thời điểm Chính phủ trình dự án Luật chưa thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị một cách triệt để. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, dự thảo Luật chưa dự liệu được tác động của việc thực hiện chủ trương này như: tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức (bao gồm cả đơn vị tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp) trong dự thảo Luật (do sáp nhập); chính sách đối với lao động không có việc làm do sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tác động đến cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi phải thực hiện chế độ trợ cấp thất nghiệp (đối tượng thu giảm, số tiền thu giảm, đối tượng thụ hưởng tăng…).
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung các nguyên tắc và giao Chính phủ quy định để bảo đảm không làm mất cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi xảy ra các biến động lớn dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc làm như việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Báo cáo của Ủy ban Xã hội cho biết, qua các cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban Xã hội và thường trực cơ quan chủ trì soạn thảo thì cũng chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền, xin ý kiến chỉ đạo về nội dung này để có chỉnh sửa phù hợp trong dự thảo Luật.
Quan tâm đến vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, khi quy định về chức năng, nhiệm vụ và tên gọi của các cơ quan, tổ chức thì nên quy định theo hướng chung; bên cạnh đó, đề nghị bổ sung nguyên tắc và giao Chính phủ quy định về bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp như khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Cần dự liệu, đánh giá khả năng cân đối quỹ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý, việc quy định tên cơ quan, tổ chức thực hiện các chính sách mới về việc làm theo chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy không khó, nhưng việc đánh giá tác động của việc thực hiện chủ trương này, cụ thể ở đây chính là phần theo Nghị định mới nhất là Nghị định 178 /2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy thì rơi vào đối tượng hưởng chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động.
Nghị định số 178 quy định, viên chức và người lao động có tuổi đời từ đủ 2 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định này, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ được quy định tại Điều 10 của Nghị định số 178, trong đó có chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
"Vậy Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã dự liệu, đánh giá khả năng cân đối quỹ để bố trí ngân sách chi trả cho việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho đối tượng thuộc diện hưởng chính sách này hay chưa?", Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Giải trình, làm rõ thêm nội dung này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hiện nay, theo đánh giá tác động chung của Bộ Nội vụ, dự kiến sẽ có khoảng 100.000 người hưởng chế độ theo Nghị định số 178 nhưng tại thời điểm này chưa có số liệu cụ thể về số lượng công chức, viên chức thuộc diện này nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chưa có cơ sở cụ thể để đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách đối với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Trước băn khoăn của Phó Chủ tịch Quốc hội về việc sau khi tinh gọn bộ máy theo chủ trương mới, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng được quy định tại Nghị định số 178 có ảnh hưởng tới khả năng chi trả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hay không, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định, nguồn chi để giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với các công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế, chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng nghỉ thôi việc vẫn có và “chắc chắn là yên tâm”.