Thường trực Ủy ban Pháp luật họp mở rộng

- Thứ Sáu, 05/05/2023, 18:11 - Chia sẻ

* Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn

Chiều 5.5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu 

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; đại diện Thường trực Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện lãnh đạo HĐND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ. Đồng thời, rà soát các quy định của Hướng dẫn số 321/HD-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm là đúng, hợp lý để bổ sung vào Nghị quyết.

Các đại biểu dự cuộc họp

Dự thảo Nghị quyết giữ nguyên như Nghị quyết số 85/2014/QH13 với 18 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều Nghị quyết và bổ sung 2 Biểu mẫu mới. Trong đó, về những điểm mới của dự thảo Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm; thể chế các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; bổ sung  các quy định về nguyên tắc và căn cứ lấy phiếu tín nhiệm; bổ sung quy định việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để quán triệt và cụ thể hóa yêu cầu của Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tại các Điều 10, 15 và 18 dự thảo Nghị quyết quy định bổ sung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, bên cạnh giữ quy định “người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức”, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Đồng thời, bổ sung quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp, cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp mở rộng -0
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Do tại Điều 4, Quy định số 96-QĐ/TW quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ, nên trong năm 2023, Quốc hội và HĐND sẽ tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm. Để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Ban Công tác đại biểu đề xuất, bổ sung việc xây dựng dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2023, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trình bày Báo cáo ý kiến nghiên cứu về dự thảo Nghị quyết, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Năm theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm bảo đảm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo quy định mới được thực hiện tại kỳ họp cuối năm 2023. Trong Báo cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nêu ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường ở một số thành phố trực thuộc Trung ương; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13; phục vụ kịp thời việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Sáu...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dù tại dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung 13/18 điều của Nghị quyết số 85/2014/QH13, nhưng chủ yếu sửa đổi, bổ sung để cập nhật thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất với các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Do vậy, bên cạnh nội dung quan trọng được bổ sung về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, các đại biểu tập trung cho ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Nghị quyết; lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường ở TP. Hà Nội và thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

Tin, ảnh: Thanh Hải
#