Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

- Thứ Năm, 27/04/2023, 17:07 - Chia sẻ

Đây là một đề nghị được các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Kinh tế đưa ra. Bởi, những tháng còn lại của năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh được dự đoán sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn; xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI giảm, thị trường bất động sản nhiều khó khăn...

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân -0
Quang cảnh phiên họp

Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Kinh tế diễn ra tại Khánh Hòa trong hai ngày 26 và 27.4. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp.

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình những tháng đầu năm 2023, do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày, trong năm 2022, mặc dù còn có những chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng cả nước đã vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu. Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hôi năm 2023, theo Báo cáo, trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… gặp nhiều khó khăn. Các tập đoàn lớn có dấu hiệu xem xét kỹ việc đầu tư lớn vào Việt Nam do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Tăng trưởng tín dụng tăng thấp cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý I.2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn; xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI giảm, thị trường bất động sản nhiều khó khăn… là sức ép rất lớn đối với điều hành tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cả năm. Thị trường tài chính, kinh tế nước ta có thể chịu tác động lớn và kéo dài nếu những vấn đề của hệ thống ngân hàng tại Mỹ, châu Âu không được xử lý hiệu quả, có tác động lan tỏa đến toàn cầu.

Trong thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp. Chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm và chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

Trước bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tiếp tục chậm lại, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ, nhiều đại biểu tham dự Phiên họp cho rằng, trước hết cần giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị, không nên tăng thêm chi phí, gây áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đối với giải pháp giãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái tạo sản xuất, vượt qua khó khăn.

Giải trình tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý I.2023, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai giải pháp ổn định lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Hiện lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại là khoảng 9,4%/năm.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về những tác động của nền kinh tế thế giới đến nước ta trong giai đoạn hiện nay; đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch của năm 2023….

Tại Phiên họp toàn thể lần này, Ủy ban Kinh tế cũng thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Lê Bình
#