Tăng cường giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương

- Thứ Tư, 26/10/2022, 12:12 - Chia sẻ

Sáng 26.10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương” với sự chủ trì của TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. 

Tăng cường giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương -0
Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Lê Hải Đường nhấn mạnh, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, của Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH và các ĐBQH. 

Trong các nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội đã và đang có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó có một số hoạt động liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Qua giám sát đã đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công... Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, trong nội dung cũng như phương thức giám sát, việc thực hiện kết quả giám sát quản lý tài sản công trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Gợi mở nội dung thảo luận, TS. Lê Hải Đường lưu ý, cần làm rõ nội dung, phương thức Quốc hội giám sát quản lý tài sản công trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương; khái quát những quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương; làm rõ thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quản lý tài sản công trong ác cơ quan nhà nước ở Trung ương (dưới góc nhìn của các cơ quan thuộc Chính phủ); thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương (dưới góc nhìn của các cơ quan của Quốc hội); những vấn đề đặt ra trong hoạt động giám sát quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương...

Để tăng cường giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương, TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) đề xuất, cần bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và đồng bộ với các Luật mới được ban hành như Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước... Có quy định chi tiết rõ ràng về phân cấp quản lý tài sản thuộc Trung ương và tài sản thuộc địa phương trên cơ sở phân cấp xử lý tài sản hiện hành. Khai thác tài sản công hợp lý, tạo ra nguồn lực tài chính từ tài sản công để đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, giữa gìn văn hóa, bản sắt dân tộc... Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giám sát trong lĩnh vực này. 

Hạnh Nhung