Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Tây Ninh, TP. Đà Nẵng thảo luận tổ:

Sửa luật để tạo cơ chế đột phá cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

- Thứ Sáu, 10/11/2023, 17:55 - Chia sẻ

Việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm định hướng được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, đánh giá kỹ chính sách trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi. Đây là ý kiến của các đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Tây Ninh, TP. Đà Nẵng tại phiên họp tổ chiều nay, 10.11.

Sửa luật để tạo cơ chế đột phá cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững -0
Quang cảnh phiên họp tổ chiều 10.11

Chính sách xã hội vẫn còn mờ nhạt

Thực tế cho thấy, sau 10 năm thi hành Luật Thủ đô, nhiều quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều cơ chế chính sách, kể cả những tình huống xảy ra trong dịch Covid  19,  yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như Thủ đô ngày càng cao hơn.

ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La) cho biết, thời gian qua, chúng ta cũng ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho một số địa phương. Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô là rất cần thiết, nhằm tạo cơ chế, chính sách để phát huy được thế mạnh của Thủ đô Hà Nội.

Quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đại biểu Quàng Văn Hương cho rằng, hiện nay “quy định còn chưa theo kịp” thực tiễn. Thực trạng rất nhiều đối tượng yếu thế từ người khuyết tật, người nghèo, người đồng bào dân tộc trong chính sách chưa thể hiện được rõ nét. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Quàng Văn Hương đề nghị, tiếp tục rà soát và có những chính sách cụ thể hơn để có một Thủ đô phát triển toàn diện và theo tinh thần là “không để ai lại phía sau”, “tránh các đối tượng không được quan tâm đúng mức và tạo ra khoảng cách” – đại biểu Hương nhấn mạnh. 

Sửa luật để tạo cơ chế đột phá cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững -0
ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La) phát biểu tại tổ chiều 10.11

Hiện nay, dân số của TP. Hà Nội hơn 8,4 triệu dân thì có khoảng hơn 108.000 đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở 5 huyện, chiếm 1,3% tổng dân số của Thủ đô. Tuy vậy, theo đại biểu Hương, quy định về chính sách đối với đồng bào dân tộc trong điều 28 của dự thảo Luật vẫn còn mờ nhạt, quy định về thu hút về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa rõ được các chính sách là gì. Do đó, cần rà soát và quy định cụ thể về các chính sách này, đại biểu Hương đề nghị.

Liên quan đến hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc, dự thảo Luật định, việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên. Trường hợp không bố trí được đất sản xuất thì hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm. Về vấn đề này, đại biểu Hương cho rằng, hiện nay đối với Hà Nội, đối tượng là hộ nghèo rất ít, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm rất nhỏ. Do đó, chính sách như dự thảo Luật sẽ không giải quyết được nhiều. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần căn cứ vào các quy định của dự thảo Luật Đất đai để tạo sự đồng bộ và giải quyết được vấn đề chính sách xã hội mà các đối tượng thụ hưởng quan tâm.

Đánh giá kỹ chính sách để bảo đảm tính khả thi

Tại Khoản 4, Điều 24 về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong việc quyết định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học. Cùng với đó, quyết định mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục.

Sửa luật để tạo cơ chế đột phá cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững -0
ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu tại tổ chiều 10.11

ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) nhấn mạnh đây là chính sách có ý nghĩa xã hội rất lớn. Hiện nay đã có 8 địa phương đã triển khai được việc miễn, giảm học phí cho cho học sinh. Tuy nhiên, nếu việc này triển khai trên địa bàn Thủ đô, đối tượng được thụ hưởng sẽ rất lớn, bao gồm cả trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi và học sinh phổ thông ở cả ba cấp học, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng sẽ được hưởng hỗ trợ về học phí. Do đó, cần đánh giá kỹ khả năng bảo đảm trên thực tiễn như thế nào, bởi trong báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ dự thảo Luật cũng chưa đề cập tới các số liệu này, đại biểu Đinh Công Sỹ nói.

Sửa luật để tạo cơ chế đột phá cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững -0
ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) phát biểu tại tổ chiều 10.11

Về Quản lý tài sản công khoản 2 điều 42 dự thảo Luật quy định: Thành phố Hà Nội được sử dụng tài sản công để nhượng quyền kinh doanh, quản lý, liên kết với tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ. Bày tỏ ủng hộ quy định của dự thảo Luật, ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) cho rằng, quy định này tạo cơ chế để sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, theo đại biểu cần cân nhắc, tính toán thêm bởi trên địa bàn Hà Nội có những di tích, có công trình văn hóa, thiết kế văn hóa thuộc của cấp Trung ương quản lý, chứ không phải thuộc của riêng Hà Nội.

Hà An - Xuân Tùng
#