Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

- Chủ Nhật, 02/06/2024, 19:10 - Chia sẻ

Chiều 2.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo -0
Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra chiều 2.6, tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 2) gồm 9 chương, 71 điều, được xây dựng dựa trên định hướng với 5 nguyên tắc cơ bản: thể chế hóa quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục; xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần của Nghị quyết số 29/NQ-TW để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng và phát triển con người Việt Nam hội nhập quốc tế; việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tạo sự bình đẳng và cơ hội tiếp cận giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quản lý nhà giáo hiện nay.

Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo -0
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự thảo Luật đề xuất một số chính sách nổi bật, bao gồm định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo; quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; quy định về đào tạo, bồi dưỡng đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo phải được xác định là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của ngành giáo dục. Trên thực tế, thời gian qua, dù đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhưng liên quan đến đội ngũ nhà giáo còn nhiều yếu kém, bất cập về cả số lượng, cơ cấu, nhất là chất lượng và hiệu quả công tác chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của tiến trình đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.

Ở nhiều địa phương có tình trạng thừa thiếu giáo viên. Nhiều nhà giáo thiếu động lực giảng dạy, chưa yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với nhà giáo chưa đồng bộ, chưa rõ đối tượng, dẫn đến việc hiểu, áp dụng chính sách cho nhà giáo chưa có sự nhất quán…

Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo -0
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, dự án Luật Nhà giáo xác định tư tưởng nhất quán là kiến tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: Nghĩa Đức

Trong bối cảnh quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới, nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng, cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý đặc thù. Bởi vậy, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết xây dựng luật riêng về nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lý thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước thành chính sách vượt trội, đặc thù để chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu.

Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Nhà giáo cần cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn các nội dung về định danh nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; tiền lương, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Riêng quy định về chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên, tránh quy định chung chung, không rõ mục đích, sự cần thiết phải có chứng chỉ… Ngoài ra, cần nghiên cứu, tránh dẫn đến sự phân mảnh trong quản lý nhà nước về nhà giáo.

Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo -0
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà giáo dục. Ảnh: Nghĩa Đức

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, kiến nghị xây dựng dự án luật về nhà giáo đã có từ lâu, được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị trong thời gian dài. Đội ngũ nhà giáo hiện nay chịu sự chi phối nhiều nhất bởi Luật Viên chức và Bộ luật Lao động. Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo phải rà soát kỹ hai luật này cùng ba luật chuyên ngành là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, để từ đó thể hiện được tính chất đặc thù của nhà giáo trong mối tương quan so sánh với các ngành, nghề khác; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh xung đột với các quy định hiện hành.

Riêng về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo, cần dựa trên sự đối thoại rộng rãi, trưng cầu ý kiến của giáo viên, giảng viên, từ đó làm nổi bật được một số nhóm vấn đề để bảo đảm, tăng cường hiệu quả của các chính sách. Ví dụ, có thể chia ra 5 nhóm cơ bản như: chính sách tiền lương; chính sách ưu đãi liên quan trực tiếp đến hoạt động giảng dạy; chính sách hỗ trợ đào tạo và nâng cao trình độ; chính sách liên quan đến môi trường làm việc; chính sách ưu tiên liên quan đến từng khu vực cụ thể.

Thái Minh
#